Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 5/2016 (P. 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Hiện có bao nhiêu loại kháng sinh bị cấm sử dụng trong nuôi tôm? (Trần Văn Chiến, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Hiện, quy định sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản vẫn theo Thông tư số 08/VBHN-BNNPTNT về Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản và trong thú y ban hành ngày 25/2/2014. Trong đó, có phụ lục 1 là Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản có một số kháng sinh cấm như: Cypermethrim, Enrofloxacin, Trifluralin… Đối tượng áp dụng là thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa khử trùng, chất bảo quản, kem bôi da tay trong tất cả các khâu sản xuất giống, nuôi trồng động thực vật dưới nước và lưỡng cư, dịch vụ nghề cá và bảo quản, chế biến.

 

Hỏi: Ao mới làm bơm nước giếng khoan để thả ba ba, nguồn nước không bị ô nhiễm. Ba ba có hiện tượng bỏ ăn, giữa 2 chân trước, chân sau có vết tím như bầm dập, trên mai có nhiều vết xước. Lúc yếu thì bò lên bờ, sau 3 – 4 h là chết, mổ ra thấy phổi đen. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Nguyễn Văn Thụ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)

Trả lời:

Nước giếng khoan có thể dùng để nuôi ba ba được vì ít chất hữu cơ, sạch về mặt vi sinh vật gây bệnh nhưng nếu nước giếng chứa nhiều sắt, nó sẽ bám vào nách, cổ của ba ba và có màu gỉ sắt màu vàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe ba ba. Còn hiện tượng mô tả trên là do ba ba bị bệnh viêm loét bởi vi khuẩn (thường gọi là bệnh nhiễm trùng hay ba đậu).

Trị bệnh dùng kháng sinh Oxytetracycline bôi trực tiếp lên các vết loét, để ba ba ở trên cạn 30 – 60 phút, sau đó, thả trở lại nước, 3 lần/tuần (cách 1 ngày bôi 1 lần); trong trường hợp vết loét nặng, có kén, phải cạy vảy và lấy hết kén ra, sau đó, lau sạch vết thương, rắc thuốc kháng sinh đã tán thành bột và bôi thuốc mỡ ra bên ngoài. Nhốt ba ba trên cạn càng lâu càng tốt (2 – 3 ngày liên tục); phải giữ luôn độ ẩm và yên tĩnh cho ba ba. Hoặc có thể tắm cho ba ba bị bệnh bằng kháng sinh trên trong 3 – 5 ngày liên tục, tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt 70 – 80%.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!