(Thủy sản Việt Nam) – Tôm hùm (Panulirus.spp) thuộc họ Palinuniade là loài tôm có giá trị kinh tế cao. Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố tự nhiên và được nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung như: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… Mùa khai thác con giống chủ yếu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4, 5 năm sau.
Lợi nhuận như nuôi… tôm hùm
Tôm hùm là loài ăn tạp, trong tự nhiên và cũng như nuôi thương phẩm. Thức ăn chủ yếu của tôm hùm là cá, giáp xác và nhuyễn thể. Môi trường sống của tôm hùm thường là những nơi nước sạch, có hang hốc, san hô, chất đáy ở tầng đáy sạch, độ mặn cao (>30‰) và nhiệt độ nước luôn ổn định trong khoảng 22-320C. Cũng như những loài tôm khác, tôm hùm cũng lớn lên nhờ quá trình lột xác. Tuy nhiên, tôm hùm có chu kỳ lột xác dài hơn, do đó tốc độ tăng trưởng cũng chậm hơn.
Tôm hùm cỡ trên dưới 1kg/con có giá từ 2,2-2,3 triệu đồng Ảnh: Phạm Ngọc Chung
Tôm hùm nuôi trong lồng sau thời gian từ 18 tháng trở đi mới đạt giá trị thương phẩm, cỡ 1 kg trở lên. Thị trường tiêu thụ loài tôm này hiện nay đã được mở rộng, thêm vào đó, sự khan hiếm nguồn tôm hùm khiến cho giá tôm hùm thời gian gần đây tăng rất cao (kể cả tôm hùm giống và tôm hùm thương phẩm). Tôm hùm thương phẩm cỡ trên dưới 1 kg/con có giá từ 2,2-2,3 triệu đồng/kg, giá tôm hùm cỡ nhỏ 0,5-0,8 kg/con có giá 2-2,1 triệu đồng/kg. Với giá đó, người nuôi có thể thu lãi trên dưới 1 triệu đồng/kg. Ông Trần Văn Tài ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên, cho biết: Gia đình ông thả nuôi 600 con tôm hùm giống, dù tỷ lệ hao hụt đến 20%, nhưng đợt xuất bán vừa qua vẫn lãi hơn 400 triệu đồng. Nếu gia đình nào nuôi khoảng 1.000 con thì lãi không dưới 1 tỷ đồng.
Chưa thể sản xuất giống nhân tạo
Đây là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm. Người nuôi tôm hùm hiện nay chỉ dựa vào con giống khai thác từ tự nhiên. Tuy nhiên, số lượng khai thác được ít, không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi. Kích cỡ con giống cũng đa dạng và bị ảnh hưởng nhiều trong quá trình đánh bắt, từ đó ảnh hưởng đến tỷ lệ sống khi ương nuôi. Giá con giống khá cao (dao động từ 180.000-320.000 đồng/con), thậm chí người nuôi phải nhập giống từ nước ngoài về nuôi nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và lợi nhuận.
Chưa thể sản xuất tôm hùm giống nhân tạo
Bên cạnh đó, dịch bệnh của tôm hùm (bệnh sữa), giá thức ăn tăng cao, thời gian nuôi dài, là những rủi ro chính trong quá trình nuôi tôm hùm. Hiện nay, do lợi nhuận từ nuôi tôm hùm lớn nên tại nhiều địa phương đã mở rộng quy mô nuôi tôm hùm lồng. Vì vậy, vấn đề hiện này là cần kiểm soát tốt số lượng lồng bè để tránh hiện tượng phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài và bền vững của nghề nuôi tôm hùm.
>> Ở Việt Nam có 7 loài tôm hùm, bao gồm: tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm sỏi, tôm hùm đỏ, tôm hùm ma, tôm hùm sen và tôm hùm bùn. Trong đó, tôm hùm bông có kích thước lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất và có giá trị cao nhất.
Đoàn Quân