Theo tính toán của cơ quan quản lý, đến năm 2015, diện tích mặt nước hệ thống hồ chứa tại các công trình thủy lợi, ao hồ nhỏ và ruộng lúa vùng trũng sử dụng nuôi thả thủy sản là 15.870 ha. Trong tương lai gần, diện tích mặt nước có thể nuôi thả thủy sản tăng lên 24.340 ha phân bổ hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Trên thực tế, hiện nay diện tích ao, hồ nhỏ được khai thác mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát còn diện tích mặt hồ nước lớn, ruộng trũng, vùng bán ngập mới chỉ dừng lại ở hình thức nuôi thả thủy sản quảng canh. Một số huyện như Kbang, Chư Sê đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi cá lồng trong hồ chứa. Tuy vậy tổng diện tích mặt nước đưa vào nuôi thả thủy sản trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này mới đạt khoảng 6.546 ha, chiếm tỷ lệ 57,47% tổng diện tích mặt nước hiện có. Cơ cấu giống, loài đưa vào nuôi thả tập trung là các loài cá mè, trôi, trắm cỏ, chép, rô phi thường, rô phi đơn tính, ba ba, tôm càng xanh. Sản lượng thủy sản khai thác hàng năm chỉ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất bán một phần nhỏ ra thị trường ngoài tỉnh.
Theo Chi cục Thủy lợi và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chưa có sự đầu tư nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi thả thủy sản hiệu quả phần diện tích mặt nước hồ chứa lớn. Người trực tiếp nuôi trồng chủ yếu tận dụng kinh nghiệm, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như rau xanh, cám gạo, bột bắp, mì, đậu xanh làm thức ăn chính phục vụ việc nuôi trồng.
Đặc biệt, cơ sở vật chất phục vụ công tác sản xuất giống thủy sản còn thiếu, nên cơ cấu giống loài thủy sản đưa vào nuôi trồng thiếu đa dạng. Nhu cầu tiêu thụ cá giống trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm 4 – 5 triệu con, trong khi thị trường ươm cá giống tại chỗ cung cấp khoảng 2 triệu con, số còn lại phải nhập từ nơi khác. Cơ sở ươm nuôi cá giống trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có trại sản xuất cá bột ở huyện Phú Thiện. Hầu hết cơ sở ươm cá giống hiện nay trên địa bàn tỉnh đều do hộ cá thể tận dụng ao hồ để thực hiện bằng hình thức mua cá bột về phát triển thành cá giống. Theo các nhà chuyên môn, hình thức chuyển giao cá giống hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá, dẫn đến năng suất cá thương phẩm bình quân chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha/vụ, quá thấp so với tiềm năng.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT chủ trương tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng nuôi thả thủy sản, góp phần tăng tỷ trọng lĩnh vực này trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo quy hoạch phát triển thủy sản Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, ngành sẽ khai thác tối đa nội lực, tiềm năng diện tích mặt nước để phát triển thủy sản theo chiều rộng và chiều sâu có bước đột phá về cơ cấu giống, đảm bảo tốc độ tăng sản lượng thủy sản bình quân cả giai đoạn là 21,4%/năm. Tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng vùng nuôi cá rô phi tập trung. Kiến nghị này đã được tiếp nhận và đang trong quá trình xác định mức hỗ trợ cụ thể, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Gần hơn là dự án hỗ trợ phát triển hệ thống nuôi giống thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Dự án triển khai tại địa bàn các huyện: Chư Pah, Kbang, Chư Prông, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.
Nguồn vốn dự án tập trung cải tạo, nâng cấp gần 6 ha ươm nuôi cá giống, hoàn thiện các công trình phụ trợ, thiết bị ươm nuôi cá giống trong vùng dự án đảm bảo mục tiêu mỗi năm sản xuất 6 triệu con cá giống nước ngọt đạt chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển thủy sản tại địa bàn và khu vực phụ cận. Để đa dạng cơ cấu giống loài cá nuôi thả, dự án sẽ tập trung nghiên cứu sản xuất các loài cá nước ngọt đang khẳng định được giá trị kinh tế cao trên thị trường trong và ngoài nước như cá thác lác cườm, cá chình, cá lăng nha.
Việc sản xuất cá giống mới bước vào giai đoạn triển khai song đã tạo nền tảng cho sự phát triển ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Quang Văn
Theo Báo Gia Lai