Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về một số chính sách hỗ trợ khai thác, nuôi trồng và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa), nhiều ngư dân thụ hưởng chính sách đã yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, bám ngư trường truyền thống, góp phần bảo vệ chủ quyền, biển đảo Tổ quốc.
Theo Quyết định số 48, mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm (mức hỗ trợ từ 22 triệu đồng đến 100 triệu đồng/chuyến biển, tùy thuộc công suất tàu). Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa… (gọi tắt là các vùng biển xa)… Tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa là các tàu cá có nghề khai thác phù hợp và có hoạt động tại vùng biển quy định, bao gồm: nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới rê khơi, nghề lưới vây khơi, nghề câu khơi, câu mực, chụp mực và các tàu dịch vụ khai thác hải sản tại các vùng biển xa. Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, Quyết định 48 còn hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu; bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên; hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu…
Tàu cá lấy đá tại cảng Bến Đá, phường 5, TP. Vũng Tàu.
Ngư dân Huỳnh Hoành Nhung, Tổ trưởng Tổ đánh bắt hải sản Quyết Thắng, thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cho biết, các chính sách khuyến khích của Nhà nước đã giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá, nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ. Ngư dân cũng chủ động hơn trong việc tham gia mua bảo hiểm để giảm thiểu thiệt hại do rủi ro, tai nạn trong quá trình sản xuất trên biển. Đặc biệt, việc hỗ trợ ngư dân mua sắm thiết bị thông tin liên lạc, giúp công tác tìm kiếm, cứu nạn mỗi khi xảy ra sự cố kịp thời, hiệu quả hơn. “Ngư trường thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, gần cụm nhà giàn DK1 là ngư trường truyền thống của tổ đội đánh bắt hải sản Quyết Thắng. Hiện nay tổ có 5 chiếc tàu hành nghề lưới vây, mỗi năm đi 4 chuyến biển ở ngư trường này. Việc được hỗ trợ tiền dầu, bảo hiểm đã giúp ngư dân chia sẻ một phần chi phí cho các chuyến biển, tạo động lực để ngư dân bám trụ ngư trường”, ông Huỳnh Hoành Nhung nói.
Ngư dân Phạm Ngọc Hoàng, nhà ở phường 3 (TP. Vũng Tàu) có 1 cặp tàu cá hành nghề lưới vây đánh bắt ở vùng biển Trường Sa cho biết: “Thời gian qua, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mỗi chuyến biển cặp tàu gia đình tôi được hỗ trợ 75 triệu đồng tiền dầu. Nhờ thế, chi phí chuyến biển đã giảm rõ rệt, giúp gia đình yên tâm theo nghề”.
Thấy những lợi ích mà chính sách mang lại, ngư dân Đỗ Tấn Công, ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), chủ 4 chiếc tàu hành nghề lưới rê đang làm hồ sơ để được xét hỗ trợ. Ngư dân Đỗ Tấn Công cho biết: “Tôi làm hồ sơ cho 4 chiếc tàu lưới rê công suất trên 400CV. Nếu được duyệt, mỗi năm đội tàu sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng tiền dầu, cùng đó là giảm 50% bảo hiểm thân tàu và 100% bảo hiểm cho thuyền viên. Đó là khoản chi phí không hề nhỏ, giúp chúng tôi vươn khơi đánh bắt”.
Theo Sở NN&PTNN, thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ, đến nay hàng trăm tàu cá của ngư dân TP. Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc đã được hưởng chính sách hỗ trợ. 5 năm qua, số tiền hỗ trợ cho các tàu cá lên tới gần 80 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, trong số 326 tàu cá đăng ký thường xuyên khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa thì có đến 130 tàu cá được phê duyệt hỗ trợ với tổng số tiền hơn 20,5 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Văn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNN tỉnh cho biết, để giúp ngư dân tiếp cận với chính sách hỗ trợ từ Quyết định 48 của Chính phủ, hàng năm Sở NN&PTNN xây dựng kế hoạch, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân có tàu cá đủ điều kiện đăng ký tham gia. Đồng chí Trần Văn Cường đánh giá: Việc thực hiện hiệu quả Quyết định 48 của Chính phủ đã tạo nên những tác động tích cực trong hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản, giúp ngư dân yên tâm bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống.