Từ năm 2005, dự án Luật Thủy sản (LTS) giai đoạn II đã được Bộ NN&PTNT giới thiệu với bà con nông dân để giúp người dân làm quen với các quy định mới về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nhưng nghề cá ở Việt Nam quy mô nhỏ nên nhiều quy định mới trong luật đã khiến các địa phương lúng túng trong triển khai và hiệu quả thu được chưa cao…”. Đây là những nội dung vừa được các chuyên gia nhận định trong hội nghị tổng kết dự án LTS giai đoạn II – Đưa luật vào cuộc sống mà Bộ NN&PTNT tổ chức.
Còn nhiều vướng mắc
Theo ông Dương Văn Cường, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), trong 7 năm qua, Bộ NN&PTNT đã triển khai 5 mô hình thí điểm ở tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Bình Thuận, Trà Vinh. Nhưng quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc như thiếu cơ sở pháp lý dưới luật, nên rất khó triển khai ở một số địa phương như tiêu chí đánh giá, công nhận nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt tiêu chuẩn VietGap tại mô hình thí điểm ở Trà Vinh, mô hình nuôi giống thủy sản ở Bình Thuận. Do người dân chưa có kiến thức về các điều kiện bắt buộc trong NTTS nên mục đích của dự án là nâng cao nhận thức cho họ về vấn đề này còn hạn chế. Hay một số địa phương chỉ dừng lại ở tuyên truyền, tập huấn luật bằng văn bản mà chưa áp dụng cụ thể vào thực tiễn.
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, nghề cá Việt Nam quy mô nhỏ, sản xuất hộ, cá thể và hoạt động độc lập, thiếu tính liên kết và rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài bao gồm cả thiên nhiên và những biến động về kinh tế xã hội, nên khi đưa LTS vào áp dụng ở một số địa phương, hiệu quả đạt chưa cao. Hiện cả nước có khoảng hơn 64.000 tàu cá phải đăng kiểm và số lượng tàu cá có công suất lớn có thể sẽ tăng thêm trong thời gian tới, nhưng lực lượng đăng kiểm chỉ có 165 người. Trong khi đó, theo quy định của LTS, bắt buộc các tàu phải đăng kiểm mới cho phép hoạt động vì thế càng trở nên khó khăn khi nguồn nhân lực của lực lượng chức năng làm công tác này còn hạn chế. Vấn đề này trực tiếp ảnh hưởng đến công tác quản lý. Việc quy định tàu cá trước khi đóng mới, sửa chữa phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ thiết kế cũng là một trở ngại, vì thực tế hầu hết các tàu cá được đóng theo mẫu dân gian.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh là một trong 5 địa phương tham gia thí điểm áp dụng những quy định mới của LTS về giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS. Mặc dù chính quyền địa phương cũng như người dân đã làm quen với những quy định trong luật liên quan đến hoạt động nghề cá, nhưng khi triển khai còn vướng mắc bởi quy định giao cho thuê mặt nước biển để NTTS là quy định mới; phức tạp nên địa phương còn lúng túng. Theo quy định, người dân tham gia thuê mặt nước biển phải tuân thủ quy trình nuôi, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc, báo cáo, viết nhật ký… việc này đối với nông dân là rất mới.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) – Giám đốc dự án LTS cho biết, để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện dự án LTS giai đoạn II, lần này phải xác định vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của nghề cá Việt Nam một cách cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn vấn đề quy hoạch thủy sản, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm; điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; về giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS. Để giải quyết khó khăn trong việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá; quản lý tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá… luật sửa đổi sẽ theo hướng xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá, nghĩa là Nhà nước đưa ra các quy định về đăng kiểm, trên cơ sở đó DN, cơ sở tư nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được làm dịch vụ đăng kiểm tàu cá.
Các địa phương tham gia mô hình thí điểm LTS đều cho rằng: LTS mới phải quy định cụ thể việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho một số nghề không sử dụng tàu cá nhưng cần quản lý bằng giấy phép khai thác. Cần phải có các quy định, hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong hoạt động khai thác thủy sản ven bờ. Bộ NN&PTNT phải quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của LTS để địa phương có căn cứ thực hiện trong việc giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho rằng, đưa LTS vào cuộc sống để ngư dân và DN đều hưởng lợi là mô hình quản lý thủy sản khác so với các nước có nghề cá. Thông qua 5 mô hình thí điểm ở các tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ NN&PTNT sửa đổi dự án luật, hiện Bộ đã trình Quốc hội thông qua nhằm có LTS hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình thực tế. Trong quá trình triển khai luật phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với chính quyền, đoàn thể ở địa phương với các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm thì pháp luật mới nghiêm, đầy đủ và kịp thời. Các địa phương phải để người dân tham gia một cách dân chủ trong quá trình sửa đổi và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thì LTS mới thực sự đi vào cuộc sống.
Quỳnh Dung
Theo Hà Nội Mới