Tại hội nghị “Tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012” vừa tổ chức tại Cần Thơ, nhiều đại biểu đã thẳng thắn cho biết: thiếu vốn là khó khăn lớn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh cá tra.
Mở màn phát biểu, ông Nguyễn Hữu Dũng – phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) thẳng thắn cho rằng: Trong năm 2011 dù ngành sản xuất và tiêu thụ cá tra đạt được kết quả khả quan với kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD nhưng cũng đã đến lúc không nên nhìn về sản lượng, giá trị xuất khẩu mà đánh giá “cái được” của ngành cá tra.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Trong từng khâu sản xuất và tiêu thụ nên nhìn từ hiệu quả. Xuất khẩu 1,8 tỷ USD nhưng người nuôi được hưởng bao nhiêu % trong số đó? ”.
Theo ông Dũng, trong năm 2011 cái làm được lớn nhất là chuỗi sản xuất cá tra với trên 70% sản lượng cá tra do doanh nghiệp (DN) và nông dân phối hợp tự nuôi. Tuy nhiên cũng từ con số này, ông Dũng cho rằng: “Nghề nuôi cá tra từ lâu do nông dân nuôi nhưng bây giờ vai trò của người nông dân không còn mấy nữa, bởi trong 70% thì chỉ có người nông dân giàu mới nuôi nổi”.
Trong khi đó, ông Dương Ngọc Minh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương, cho rằng: thiếu vốn đang làm khó người nuôi cá. Theo ông Minh, ngân hàng (NH) có đầu tư vốn cho nghề nuôi cá tra nhưng không đáng kể.
Ông Minh cho biết, NH chủ yếu cho vay vốn ngắn hạn, song không thể lấy vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn vì nuôi cá tra bây giờ không chỉ là 4 hay 6 tháng mà là 9 đến 10 tháng, thậm chí là 1 năm. “Nguồn vốn thiếu dẫn đến thức ăn không đủ làm thời gian nuôi cá kéo dài sẽ dẫn đến tốn kém thêm nhiều chi phí khác cho người nuôi”- ông Minh nêu rõ.
Đại diện hàng chục hộ nông dân nuôi cá ở Châu Phú (An Giang), ông Nguyễn Hữu Nguyên – Chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú, cũng thẳng thắn cho biết: Một trong những nguyên nhân thiếu vốn là nhiều DN mua cá rồi nhưng lại chậm trả tiền cho người nuôi. Không có tiền thì lấy vốn đâu mà họ tiếp tục đầu tư nuôi cá với hàng chục khâu cần chi phí lớn. Trong khi đó tiền lãi ngân hàng mà họ vay trước đó ngày càng “phình” ra càng làm cho người nuôi thêm túng hơn”.
Ngay cả đơn vị quản lý, ông Phạm Anh Tuấn – phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cũng thừa nhận: Để phát triển sản xuất người nuôi rất cần vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Nhưng do tài sản đã thế chấp ngân hàng nên không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay dẫn đến nhiều hộ nuôi không có vốn để thả lại. Khi đó, hiện tượng treo hồ ao nuôi còn phổ biến ở một số địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, trong năm 2012, ngành cá tra sẽ còn gặp nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Bộ trưởng Phát cũng xác định, chủ trương năm 2012 là tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh cá tra để làm cơ sở duy trì và mở rộng thị trường.
Về giải quyết vấn đề thiếu vốn, cả Bộ trưởng Cao Đức Phát và đại diện phía Bộ Công thương là Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng: Trong năm này, các Bộ ngành và địa phương cần xác định rõ nhu cầu vốn sản xuất và tiêu thụ của người nuôi là bao nhiêu. Từ đó, NH Nhà nước cần chỉ đạo các NH trực thuộc ở các tỉnh xem xét họ có khó khăn gì để có chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Liên quan đến vấn đề vốn làm “nóng” tại hội nghị và cũng là một trong những lĩnh vực mà mình quản lý, đại diện NH Nhà nước Việt Nam, ông Tạ Quang Khánh- Vụ trưởng Vụ Tín dụng, lý giải: "Trong sản xuất kinh doanh thì việc thiếu vốn là chuyện bình thường". Ông Khánh cho biết, NH cũng có cái khó của NH bởi năng lực nội tại của NH chủ yếu là nguồn vốn vay ngắn hạn.
Ông Khánh cho biết, theo kế hoạch trong năm 2012, NH sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn nuôi trồng thủy sản, trong đó có cá tra. “Nếu có những vấn đề chưa rõ liên quan đến vốn vay thì đề nghị người nuôi liên hệ đến NH Nhà nước các tỉnh để được hướng dẫn giải quyết.
Huỳnh Hải
Theo Dân Trí