Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8, thị trường cá tra nguyên liệu vẫn đang diễn biến chậm, dù giá bán đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Cụ thể, tại Cần Thơ, một số nhà máy đã ký hợp đồng bắt cá tra size 700 – 900 gr/con phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu cũ, song lượng thu mua không nhiều.
Giá cá tra nguyên liệu hiện từ 18.500 – 19.000 đ/kg (trả chậm) cho size 700 – 900 gr/con. Đối với cá size lớn từ 1 kg/con trở lên, hiện lượng tồn tại kho vẫn còn khá nhiều do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc chững lại.
Trung Quốc hiện nay đang là một trong 4 thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản, nhất là cá tra sang thị trường này đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích: Vài năm gần đây, phía Trung Quốc hoặc trực tiếp hoặc thông qua đại lý, doanh nghiệp Việt Nam để gom hàng thủy sản. Trung Quốc chủ yếu thu mua hàng nguyên liệu, chọn size nhất định với mức giá cao hơn mặt bằng giá chung.
Đáng nói là, khi thu gom các mặt hàng như tôm, cá tra, Trung Quốc sử dụng thế mạnh về tài chính để đẩy mạnh thu mua, song chỉ thu mua trong khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ đột ngột điều chỉnh lượng mua. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá bán. Khi giá cao, người dân ồ ạt nuôi và khi lứa nuôi mới đến kỳ thu hoạch hàng lại ế, giá giảm, đẩy nhiều hộ nuôi vào cảnh bán dưới giá thành. Ngoài ra, việc thu mua chọn size của Trung Quốc còn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi không thể có đủ các size phục vụ đơn hàng.
Theo Bộ NN&PTNT: Sản xuất cá tra hiện vẫn chưa tìm được giải pháp để thoát khỏi những khó khăn vốn có như: Giá nguyên liệu tăng, giá xuất khẩu giảm, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thả nuôi cầm cự nên diện tích giảm. Diện tích cá tra 8 tháng đầu năm của các tỉnh ĐBSCL ước đạt 4.505 ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ.