Hỏi đáp Thủy sản tháng 9/2016 (P.2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhà tôi đang định nuôi cá rồng. Xin hỏi môi trường thích hợp để cá có thể sống tốt? (Nguyễn Việt Thắng, Hà Đông, Hà Nội)

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Nước nuôi cá rồng phải đảm bảo trong sạch, pH tối ưu trong khoảng 6,5 – 7. Nếu pH thấp hơn 5, cá rất dễ cảm nhiễm bệnh, khi pH cao hơn 9, cá dễ bị sốc và chết. Để cá rồng phát triển tốt, cần thường xuyên thay nước. Tuy nhiên, mỗi lần chỉ nên thay 20 – 30%, không nên thay quá nhiều hay toàn bộ sẽ dễ làm cho cá bị sốc do môi trường thay đổi đột ngột. Mỗi lần thay nước nên cho một lượng muối nhỏ giúp tăng cường miễn nhiễm ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời muối cũng giúp giảm lượng nitrate gây ngộ độc cho cá.

 

Trong ao nuôi cá điêu hồng có một số con bị lồi mắt, bơi lội chậm chạp. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Hà Văn Minh, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời:

Theo mô tả có thể cá bị bệnh do vi khuẩn Steptococcus gây ra. Khi bị bệnh, cá bơi lội chậm chạp, mất phương hướng, bỏ ăn hoặc ăn ít. Mắt cá bị lồi hoặc chảy máu mắt. Gan, thận, lá lách, tim, ống ruột bị xuất huyết. Lá lách và thận bị trương lên và sưng nhẹ. Phòng bệnh bằng cách chuẩn bị ao, lồng bè tốt trước khi nuôi, đặc biệt là khâu xử lý đáy ao và xử lý nước. Khi thả giống nên tắm cá qua nước muối  2 – 3% trong thời gian 5 – 15 phút. Nên thả nuôi với mật độ vừa phải và chú ý quản lý chất lượng nước trong quá trình nuôi. Khi có dấu hiệu bệnh, nên giảm một phần hoặc toàn bộ lượng thức ăn cho cá. Vớt bỏ cá chết, cá bị bệnh ra khỏi ao. Điều trị bệnh bằng kháng sinh Doxycilin, liều lượng 2 – 5 g/100 kg cá/ngày, trong 5 – 7 ngày. Đồng thời thay 20 – 30% lượng nước trong ao, kết hợp với xử lý nước bằng vôi bột với lượng 2 – 3 kg/100 m3 nước.

 

Hỏi: Sau khi được dồn điền đổi thửa, tôi muốn chuyển sang mô hình nuôi cá – vịt, xin hỏi có hệ lụy gì không? (Vũ Văn Tuyến, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Trả lời:

Trên thực tế, việc nuôi vịt trên mặt nước nuôi cá làm môi trường nước dễ bị ô nhiễm, tảo lam phát triển mạnh, độ trong của nước rất thấp. Do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến sự hô hấp của cá nuôi do thiếu ôxy. Cùng đó, môi trường ô nhiễm là mối nguy cho sự phát triển của mầm bệnh do vi khuẩn, virus. Cá nuôi thường xuyên xuất hiện bệnh: đốm đỏ, xuất huyết, thối mang… Nếu nuôi theo mô hình này, chỉ nuôi vịt với mật độ tối đa 150 con/ha, trong độ sâu mực nước tối thiểu là 1,2 m. Trong quá trình nuôi, nên xử lý nước bằng các chế phẩm vi sinh, tăng cường cấp ôxy cho ao nuôi. Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin, khoáng.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!