Ông Trương Phú Quốc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ thủy sản nông nghiệp Thuận Tiến (ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang) nói: Thời của con cá rô đầu vuông đã hết rồi, mộng làm giàu từ con cá này đã đi vào quá khứ. Nếu giai đoạn 2008- 2010, nuôi cá rô đầu vuông lãi bao nhiêu thì bây giờ lỗ bấy nhiêu.
* Lấp ao nuôi, tái trồng lúa
Ông Quốc chia sẻ: "Tôi là một trong những người nuôi cá rô đầu vuông đầu tiên ở khu vực ấp 5 này có thắng lớn và cũng có thua lớn. Trong năm 2011 vừa qua nuôi 3 ao cá rô đầu vuông trên khoảng 4.000 m2 mặt nước. Sau 4 tháng nuôi, thu hoạch bán lỗ 210 triệu đồng, đành lấp 1 ao 2.000 m2 để làm lúa".
Hiện tại, 10 xã viên trong HTX đã đào 3,2 ha đất trồng lúa để nuôi cá rô đầu vuông thì nay đã lấp lại, tái trồng lúa. Những người còn để lại một vài ao thì cũng treo luôn. Với giá cá rô đầu vuông 23.000- 24.000 đ/kg như hiện nay thì càng nuôi càng lỗ. Trung bình nuôi 1 kg cá rô đầu vuông tốn khoảng 1,4 kg thức ăn nên giá thành đã bằng giá bán".
Theo phân tích của những hộ nuôi, cá rô đầu vuông hết thời do 3 nguyên nhân chính: Giá thức ăn cao, tỷ lệ hao hụt nhiều, giá bán cá thương phẩm giảm. Năm 2008 giá thức ăn chỉ có khoảng 10.000 đ/kg, tỷ lệ cá hao hụt khoảng 10%, giá bán bình quân khoảng 30.000 đ/kg loại 10 con/kg.
Còn bây giờ, giá thức ăn là 14.000 đ/kg; tỷ lệ cá nuôi hao hụt khoảng 40%, nhưng giá bán thấp hơn 3 năm về trước khoảng 6.000 đ/kg thì làm sao sống nổi? Cá rô nuôi hao hụt nhiều là do bị bệnh gan, sốt huyết đường ruột ở giai đoạn từ 40 ngày tuổi trở lên. Thức ăn tăng do nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu, giá giảm là do tin đồn thất thiệt từ cuối năm 2010, đầu năm 2011.
Ông Nguyễn Văn Khải, ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây nói: Vụ nuôi đầu tiên, cá lớn rất nhanh, mới hơn 3 tháng đạt trọng lượng 10 con/kg. Thu hoạch hết trong ao được 11 tấn cá rô thịt, bán với giá 30.000 đ/kg, thu lời hơn 180 triệu đồng. Còn bây giờ nuôi năng suất không đạt như trước, giá thấp thì làm sao theo nghề nuôi cá rô được. Những con cá bố mẹ cũng được ông Khải xuất bán thành cá thương phẩm.
"Tỷ lệ cá hao hụt nhiều có lẽ do giống bố mẹ bị thoái hóa, vì đã cho sinh sản quá nhiều lần; cá đã già và sinh sản cũng ít. Nếu như lúc mới phát hiện 1 con cá rô đầu vuông mẹ bán 500.000- 1 triệu đồng thì nay bán chỉ có 50.000- 100.000 đồng", ông Khải chán nản nói.
Từ 3 hộ nuôi cá rô đầu vuông đầu tiên ở Hậu Giang, sau 3 năm phát triển khắp khu vực ĐBSCL, nhưng cuối cùng lại… lội vào ngõ cụt. Cái thời của con cá rô đầu vuông ở ĐBSCL xem như đã hết.
Thanh Phong
Theo Nông Nghiệp Việt Nam