Từ ngày 15/7 – 2/8, tại vùng nuôi thuộc cửa biển Lễ Thịnh, thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An có khoảng 25.000 con cá mú, cá hồng nuôi bị chết và chưa có dấu hiệu dừng. Ngành chức năng đã lấy mẫu gửi Cơ quan Thú y vùng IV xét nghiệm để tìm nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị…
Ông Nguyễn Sanh ở thôn Phú Lương, cho biết: “Từ giữa tháng 7/2016 đến nay cá chết nhiều. Ban đầu, cá xuất hiện các vết lở loét, xuất huyết trên cơ thể, sau đó các vết này lan rộng và ăn sâu vào cơ thể cá rồi chết. Một số con có hiện tượng mù mắt, bơi lờ đờ, bỏ ăn khoảng 3 – 5 ngày sau thì chết. Hiện cá mú nuôi vẫn tiếp tục chết, gây thiệt hại nặng về kinh tế, riêng tiền mua cá giống đã hơn 200 triệu đồng, chưa tính tiền thức ăn cho cá 200.000 – 300.000 đồng/ngày”.
Người nuôi cá ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An đang vớt cá bị bệnh sang chuyển lồng mới nuôi riêng – Ảnh: Ngọc Chung
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, chia sẻ, trên địa bàn xã có 52 hộ nuôi cá mú, cá hồng lồng bè, số lượng khoảng 45.000 con/494 lồng nuôi. Từ ngày 15/7 đến ngày 2/8 có khoảng 360 lồng của 30 hộ nuôi xuất hiện tình trạng cá nuôi bị bệnh và chết với số lượng khoảng 25.000 con, chủ yếu ở kích cỡ 0,4 – 0,6 kg/con.
Ông Giáp Văn Thức, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, cho biết: Qua tìm hiểu và quan sát, các lồng nuôi đặt tại vị trí gần bờ, gần khu dân cư, mực nước thấp 1 – 2 m, lưu tốc dòng chảy kém làm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp. Mặt khác, các loại rác thải sinh hoạt, xác cá chết xuất hiện xung quanh khu vực nuôi, lưới lồng nuôi chưa được vệ sinh sạch sẽ, rong rêu và sinh vật bám xung quanh lưới lồng làm cản trở lưu thông nước, gây tồn đọng các chất hữu cơ dẫn đến ô nhiễm môi trường. Từ những yếu tố trên làm sức khỏe cá nuôi bị suy giảm, các loại vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể gây bệnh cho cá. Nhận định ban đầu, cá chết là do lở loét và vi khuẩn gây nên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh ở thôn Phú Lương: “Hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt ở khu vực cửa biển Lễ Thịnh không phải lần đầu mà là vụ nuôi thứ hai có số lượng cá chết rất nhiều. Chúng tôi nghi ngờ có liên quan đến hộ nuôi ốc hương, vì nhớt của ốc hương khi xả ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến cá nuôi…”. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu NTTS III, nuôi ốc hương gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trên cá mú và tôm hùm nuôi trong cùng khu vực là chưa có căn cứ. Để làm rõ vấn đề này cần phải tiến hành khảo sát, thu mẫu để phân tích và đánh giá hiện trạng môi trường, sức tải, khoảng cách vùng nuôi các đối tượng này, lượng nhớt thải từ ốc hương nuôi là bao nhiêu và mối quan hệ giữa chúng.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An thông tin: UBND huyện sẽ kiến nghị các ngành chuyên môn tiến hành khảo sát, thu mẫu để phân tích đánh giá tại vùng nuôi ở khu vực cửa biển Lễ Thịnh theo đề xuất của Viện Nghiên cứu NTTS III. Trong khi chưa có kết luận chính thức, từ năm 2017 không cho phép các hộ tự ý nuôi ốc hương tại khu vực này.
Trước tình hình cá chết hàng loạt của các hộ dân, ông Giáp Văn Thức, cho biết, Trạm đã hướng dẫn người dân ở khu vực cửa biển Lễ Thịnh di chuyển lồng nuôi đến khu vực có lưu tốc dòng chảy tốt, lồng cách mặt nước 3 – 5 m, cách đáy tối thiểu 0,5 m. Yêu cầu thả cá với mật độ vừa phải, không làm xây xát cá trong quá trình nuôi, định kỳ 3 – 5 ngày vệ sinh lưới lồng, không cho cá ăn thức ăn tươi sống bị ôi thiu và sát trùng thức ăn trước khi cho cá ăn. Người nuôi cần bổ sung vitamin, khoáng chất trong quá trình nuôi để tăng cường sức đề kháng cho cá, bổ sung men vi sinh để hạn chế sự phát triển của các loại vi khuẩn có hại…
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 3/8, đơn vị đã gửi mẫu cá mú tại vùng nuôi có cá bị bệnh chết thuộc thôn Phú Lương đến Cơ quan Thú y vùng IV, kết quả là do vi khuẩn Vibrio alginolyticus gây ra. Đồng thời, có hướng dẫn phác đồ điều trị cụ thể để người nuôi biết và áp dụng…
Phác đồ điều trị
Bước 1: Tắm cá mú bị bệnh bằng các loại hóa chất sát trùng như thuốc tím (KMnO4) trong 30 phút, liều sử dụng 7 – 10 g/m3 nước hoặc I ốt trong 30 phút, liều sử dụng 10 – 15 g/m3 nước.Bước 2: Trộn thuốc kháng sinh Sulfamethoxazole hoặc Trimethoprime vào thức ăn cho cá ăn với liều 50 – 70 mg/kg cá/ngày, cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày.Bước 3: Trộn vào thức ăn cho cá ăn có bổ sung vitamin tổng hợp, đặc biệt là Vitamin C với liều 50 mg/kg cá/ngày và men tiêu hóa (Lactobacillus sp., Bacillus subtilis) với liều 100 – 120 mg/kg cá/ngày, cho cá ăn liên tục 7 ngày. |