T2, 06/07/2020 12:26

Quảng Nam: Tổ đoàn kết – Niềm tin của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Xã Tam Quang, huyện Núi Thành, là một trong những xã đầu tiên ở Quảng Nam xây dựng mô hình tổ đoàn kết (TĐK) sản xuất trên biển. Bốn năm qua, các TĐK hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin vững chắc cho ngư dân trong quá trình đánh bắt xa bờ.

Đi biển có đôi

Ông Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) được xem là “sói biển” ở Quảng Nam, là Tổ trưởng TĐK trên biển số 7 của xã Tam Quang. Là người có nhiều năm đánh bắt xa bờ trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa nên “sói biển” Huỳnh Văn Tạo đã từng đối mặt với bão, lốc xoáy xảy ra bất thường và sự chèn ép, đâm va của “tàu lạ” ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân. Khi được Chi cục Thủy sản tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà thành lập các TĐK sản xuất trên biển, ông Tạo và các chủ tàu trong tộc họ tích cực tham gia. “TĐK trên biển của chúng tôi có 12 tàu, ngoài bà con và ngư dân cùng thôn, tổ mở rộng thêm 2 tàu cá của xã bạn. Cùng nghề lưới vây và chụp mực nên các tàu liên kết chặt chẽ, thông tin thường xuyên về ngư trường, luồng cá và tình hình các tàu trong tổ; đồng thời, duy trì liên lạc thường xuyên trong bờ để kịp thời cứu hộ khi có sự cố xay ra” – ông Tạo nói.

tổ đoàn kết quảng nam

Tàu cá TĐK trên biển xã Tam Quang đang neo đậu tại cảng cá – Ảnh: Thạch Hà

Theo ông Tạo, việc mở rộng tàu cá xã bạn vào TĐK trên biển số 7 cũng là do “duyên nghiệp” nghề biển khơi. Tháng 6/2016, khi đang đánh bắt vùng biển gần đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) thì tàu ông Bùi Xanh (xã Tam Giang) bị thủng nòng máy, trôi dạt. Nhận tín hiệu bộ đàm cầu cứu, ông Tạo đã cho tàu tiếp cận, lai dắt tàu của ông Xanh về đất liền an toàn. Sau sự cố hỏng máy, ông Bùi Xanh đã tự nguyện vào TĐK trên biển số 7 xã Tam Quang.

Ông Phạm Văn Thái (thôn An Hải Đông) chủ tàu cá QNA 90028 thành viên TĐK trên biển số 12 của xã Tam Quang cho biết, tổ có 11 tàu, mỗi chuyến biển thường đi 1 – 2 tàu, có chuyến 5 tàu. Bên cạnh việc hỗ trợ, liên kết đánh bắt hải sản, thành viên trong tổ quyết tâm vươn khơi để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 

Hiệu quả “5 cùng”

Tam Quang là xã trọng điểm về khai thác hải sản của huyện Núi Thành, chiếm tỷ trọng 75% cơ cấu kinh tế của xã. Toàn xã hiện có 350 phương tiện với tổng công suất 50.000 CV (110 tàu có công suất từ 90 CV trở lên), chủ yếu làm nghề khai thác cá như: lưới vây đêm, vây ngày, chụp mực đánh bắt xa bờ. Vụ mùa năm ngoái, xã Tam Quang đạt sản lượng 16.000 tấn hải sản các loại, chiếm 1/2 tổng sản lượng khai thác hải sản của cả huyện Núi Thành, tương ứng 248,2 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho biết: Thời gian qua, ngư dân trong vùng duy trì thường xuyên và hiệu quả 18 TĐK sản xuất trên biển, với sự tham gia của 100% tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên. Các TĐK thành lập dựa trên tiêu chí “5 cùng”: cùng địa phương, cùng dòng họ, cùng nghề, cùng ngư trường và cùng loại nghề khai thác trên các vùng biển.

Tham gia các TĐK trên biển, ngư dân thuận lợi hơn trong việc vay vốn đóng mới tàu cá xa bờ. Đến nay, đã đóng mới 27 tàu với tổng số tiền 27,7 tỷ đồng. Nhiều thành viên trong các TĐK trên biển của xã có từ 2 tàu đánh bắt xa bờ trở lên, riêng gia đình “sói biển” Huỳnh Văn Tạo có 5 chiếc. Cạnh đó, ngư dân được Nhà nước hỗ trợ: máy dò ngang, dò đứng, Icom, thông tin liên lạc…; đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã hỗ trợ 7 máy dò ngang giúp bà con khai thác có hiệu quả, tăng thu nhập.

Tam Quang là xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá năm 2012, với hơn 200 ngư dân tham gia và đang hoạt động có hiệu quả. Năm 2014, xã Tam Quang cũng đã thành lập Trung đội dân quân biển tập trung gồm 6 tàu và 28 ngư dân. Từ những thuận lợi và nhiều chính sách ưu đãi, giúp ngư dân Tam Quang tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông và phát triển kinh tế biển.

>> Ông Phạm Văn Thái chia sẻ: Làm ăn trên biển ngày càng khó khăn nên việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong TĐK và liên kết với các TĐK khác là rất cần thiết. Thời gian qua, thành viên các TĐK trong xã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng trang thiết bị, máy móc vào sản xuất; hỗ trợ bảo quản sản phẩm sau khi khai thác. Từ khi TĐK trên biển ra đời, chúng tôi càng thêm vững tin bám biển.

Thạch Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!