Sự cố môi trường biển tại miền Trung vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến những ngư dân khai thác thủy sản, mà với các doanh nghiệp và cơ sở thu mua thủy hải sản cũng hết sức điêu đứng khi tồn đọng nhiều tấn sản phẩm.
Từ nhiều năm nay, tại cảng cá Nhật Lệ (TP Đồng Hới, Quảng Bình) đã hình thành nên chợ đầu mối cung cấp hải sản biển. Tại cảng cá này có 2 doanh nghiệp (DNTN Dũng Đức Tài và Công ty Đức Hiếu) chuyên thu mua hải sản của ngư dân và phân phối cho các cơ sở nhỏ lẻ tại các chợ. Vì vậy, 2 đơn vị này luôn có hải sản đông lạnh dự trữ nhằm phân phối đủ cho thị trường. “Nếu chúng tôi không trữ hàng thì thời gian tàu cá chưa về nguồn hải sản khan hiếm sẽ tạo nên sốt giá trên thị trường ngay” – bà Nguyễn Thị Năm, DNTN Dũng Đức Tài nói.
Trước khi tình hình cá biển chết bất thường xảy ra, 2 doanh nghiệp này đã mua dự trữ ở kho lạnh gần 500 tấn hải sản (Doanh nghiệp Dũng Đức Tài có 270 tấn, Công ty Đức Hiếu 230 tấn). Trong thời gian cá chết gần tháng thì hàng không thể xuất bán được vì người dân không ai dám mua và ăn cá. Khi có chủ trương hỗ trợ, các doanh nghiệp được thu mua, vận chuyển và bán hải sản biển trên căn cứ có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn thì toàn bộ lô hàng gần 500 tấn này không nằm trong diện được cấp giấy.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty Đức Hiếu cho hay: “Hai doanh nghiệp chúng tôi được UBND TP Đồng Hới giao nhiệm vụ mở các điểm bán cá an toàn trên địa bàn TP. Những ngày đó, chúng tôi thu mua cá cho tàu ngư dân cập cảng và đưa ra các điểm bán. Tuy nhiên, hàng tồn trong kho cấp đông phải để nguyên chứ không đưa ra bán cho bà con được”.
Số hải sản tồn đọng trong hai kho cấp đông của doanh nghiệp gồm các loại cá ngừ (giá bán 50.000 đồng/kg), bạc má (45.000 đồng/kg) và một vài loại cá khác với giá bán thấp hơn… tổng trị giá khoảng 6 – 7 tỷ đồng. Bà Năm cho biết: “Số cá này được thu mua từ trước khi xảy ra vụ cá chết nên chưa được xác nhận nguồn gốc, chưa có giấy chứng nhận hải sản an toàn. Do số lượng tồn đọng quá lớn nên doanh nghiệp không còn vốn để tiếp tục thu mua hải sản cho bà con ngư dân, và cũng không còn kho để chứa nữa”.
Ngoài số cá cấp đông, các doanh nghiệp thực hiện thu mua cho ngư dân sau khi sự cố biển xảy ra cũng có số lượng tương tự. Ông Thắng cho hay, thực hiện chủ trương của tỉnh thu mua cá cho bà con ngư dân, chúng tôi vay tiền ngân hàng mua tạm trữ gần 1.000 tấn cá. Tuy nhiên, đến nay số cá này cũng chưa thể xuất bán được. Dù lãi suất ngân hàng được Nhà nước hỗ trợ; nhưng việc tiêu thụ lại quá khó và chưa biết khi nào thì thực hiện được. Điều này đã đẩy các doanh nghiệp vào tình thế “khốn đốn”.
Bà Hoàng Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Sang, có trụ sở thu mua tại cảng cá Sông Gianh và xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết, hiện đơn vị đang tồn đọng 350 tấn hải sản các loại tại 4 kho hàng, với tổng vốn đã chi thu mua trên 10,5 tỷ đồng. “Với số hải sản tồn đọng này, riêng tiền điện để cấp đông thì mỗi tháng doanh nghiệp đã lỗ 150 – 200 triệu đồng. Nếu tính số tiền lãi vay vốn từ ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng để dự trữ hải sản thì doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí là càng ngày càng khốn khó hơn khi không bán được hàng” – bà Hương than thở. Bên cạnh đó, Công ty Phước Sang có 60 – 70 công nhân; sản phẩm hải sản tuy bán không được nhưng lương cho công nhân vẫn phải bảo đảm chi trả, dù phải vay mượn.
Mặc dù doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhưng với tinh thần tương trợ ngư dân nên các đơn vị vẫn cố gắng thu mua hải sản trong chừng mực có thể được. Bà Hương mong muốn, những ngày tới Chính phủ và tỉnh Quảng Bình xem xét để quan tâm đến các doanh nghiệp thu mua và cất trữ hải sản nhằm giảm bớt khó khăn. “Hiện chúng tôi càng trữ lại thì càng lỗ. Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp từ phía Nhà nước hoặc từ khoản bồi thường của Formosa, chúng tôi cũng cần được xem xét để tiêu hủy lượng hải sản dự trữ, nếu không đủ chất lượng hoặc không còn xuất bán được” – bà Hương nói.
Cũng theo bà Năm, bà và một số chủ doanh nghiệp thu mua và cất trữ hải sản ở địa phương đã lên UBND tỉnh Quảng Bình đề đạt nguyện vọng được Nhà nước hỗ trợ về hải sản tồn đọng. “Trước mắt tỉnh đã nói hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp cấp đông hải sản” – bà Ninh nói.
Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình: Chỉ cần doanh nghiệp làm đơn gửi lên Sở và Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Chi cục sẽ cử cán bộ về tận nơi xem xét để xác minh nguồn gốc, kiểm định chất lượng hải sản. Nếu đạt các quy định thì giấy chứng nhận hải sản an toàn để doanh nghiệp xuất bán. Riêng các chính sách hỗ trợ khác thì tỉnh đang xem xét. |