Từ ngày 10 đến 15/10/2016, tại khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lại tiếp tục xảy ra hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt với số lượng rất lớn, hơn 250 tấn, chủ yếu là các loài nuôi có giá trị kinh tế cao.
Người dân vớt xác cá chết từ đáy lồng
Các loại cá chủ yếu như cá bớp (cá giò), chim trắng vây vàng, mú đen, mú nâu (cá song), thiệt hại ước gần 30 tỷ đồng, tính đến hết ngày 15/10/2016.
Nhanh chóng vào cuộc
Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay khi nhận được thông tin sự việc, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc tiến hành xác minh, thống kê và báo cáo tình hình cá chết, đồng thời thông báo công khai kết quả xét nghiệm mẫu nước, mẫu cá lấy tại vùng bị thiệt hại. Đối với mẫu nước, qua kết quả phân tích 6 mẫu lấy tại các thời điểm và vị trí khác nhau tại khu vực nuôi cá lồng bè thì có 3 mẫu chỉ tiêu Florua vượt ngưỡng cho phép, 1 mẫu nước có chỉ tiêu Coliforms vượt ngưỡng cho phép, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước dao động khoảng 3,6 – 3,9 mg/lít dưới ngưỡng (ngưỡng tối thiểu DO phải > 4 mg/l); Độ mặn dao động 22 – 25‰. Riêng đối với 6 mẫu cá nuôi tại hiện trường, kết quả cho thấy hầu hết các mẫu cá đều không có hiện tượng xuất huyết bên trong, các bộ phận nội tạng của cá không có dấu hiệu bệnh tích; cá bỏ ăn, bao tử rỗng, mang cá có hiện tượng tổn thương. Tất cả mẫu cá có kết quả âm tính với bệnh hoại tử thần kinh (VNN – bệnh gây chết nhiều trên một số loài cá nước mặn, lợ, theo quy định buộc phải công bố dịch). Nên bước đầu khẳng định cá chết không phải là do dịch bệnh nguy hiểm.
Diễn biến và con số thiệt hại
Qua thống kê của Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến hết ngày 15/10/2016, có 90 hộ bị thiệt hại, trong đó 70 bị thiệt hại nặng. Tổng số cá chết là 250.033 con các loại, tương đương 254,862 tấn, giá trị 29.014.728.350 đồng.
Cũng theo ông Cường, cá chết xảy ra đợt này chủ yếu là cá bớp và cá chim thương phẩm, đã đến kỳ thu hoạch, trọng lượng trung bình 3 – 8 kg/con đối với cá bớp, trên 0,3 kg đối với cá chim.
Truy tìm nguyên nhân
Theo báo cáo của ông Huỳnh Văn Thêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bà Rịa – Vũng Tàu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên sông Chà Và gồm:
Một là thay đổi độ mặn, pH: Theo Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, chính nguồn nước lũ từ thượng nguồn và hai bên bờ đổ dồn xuống vùng nuôi khiến độ mặn của vùng nước giảm đột ngột, các chỉ số môi trường biến động mạnh làm cá bị sốc, bỏ ăn kéo dài, không bắt mồi trở lại dẫn đến cá ốm dần và chết rải rác trong nhiều ngày. Cụ thể, kết quả đo tại hiện trường sau các cơn mưa cho thấy độ mặn tại các bè nuôi dao động 22 – 25‰ (trong khi bình thường là 30 – 32‰), ngược lại pH vượt cao hơn khoảng 0,3 – 0,5 đơn vị.
Thứ hai là thiếu ôxy cục bộ: Khu vực nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên là chủ yếu, khi thủy triều lên nước sẽ mang hàm lượng ôxy từ biển chảy vào, càng vào sâu bên trong lượng tiêu hao do hô hấp của cá sẽ làm giảm lượng ôxy; cộng với việc mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến chất ô nhiễm đổ dồn về làm nước vùng nuôi bị vẩn đục nghiêm trọng, tiêu hao một lượng lớn ôxy trong nước. Đến khi thủy triều xuống, nước chảy ngược trở lại qua các bè nuôi cá ra cửa biển, khiến lượng ôxy còn lại không đáp ứng đủ, nhất là thời điểm từ nửa đêm trở về sáng (thời điểm xảy ra hiện tượng cá nuôi chết tương đối nhiều).
Ngoài ra, mưa liên tục với lưu lượng nước đổ xuống sông lớn tạo ra sự phân tầng, nước ngọt nằm tầng trên, nước mặn nằm phía bên dưới tạo thành một vách ngăn làm giảm lượng ôxy khuyếch tán vào nguồn nước mặn bên dưới.
Cuối cùng là do mật độ và khoảng cách giữa các bè nuôi: Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện nay, mật độ nuôi và khoảng cách giữa các bè trên sông Chà Và quá dày làm cho dòng chảy không thông thoáng, quá trình trao đổi các chất như ôxy, chất thải của cá bị hạn chế, tăng thời gian lắng đọng làm cho môi trường đáy ngày càng ô nhiễm, kết hợp với việc ô nhiễm cục bộ do thời tiết bất lợi làm cho cá bỏ ăn kéo dài.
Để đối phó với tình hình cá chết và giảm thiểu thiệt hại cho người dân, Sở NN&PTNT đã đưa ra một số khuyến cáo hướng dẫn người dân thực hiện. Trước hết, tiếp tục tăng cường cung cấp ôxy cho cá bằng các biện pháp có thể, nhất là vào thời điểm con nước đứng, đặc biệt là từ nửa đêm trở về sáng; Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ lưới lồng nhằm tăng cường sự lưu thông nước giữa các lồng nuôi với môi trường bên ngoài; Cho cá ăn vừa đủ, cần bổ sung thêm các loại vitamin, chất khoáng để giúp cá tăng cường sức đề kháng và phục hồi sức khỏe đối với số cá còn lại. Với các lứa cá sắp đến kỳ thu hoạch, bà con nên tổ chức thu sớm; Không tiếp tục thả nuôi mới, cần chờ môi trường nước ổn định mới thả vụ tiếp theo.