Ông Phạm Thái Hòa ngụ ấp Bửu 1, xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) là một trong những nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi tôm theo hình thức thâm canh – bán thâm canh (TC – BTC). Ông đã đúc kết cho bản thân quy trình nuôi tôm đem lại hiệu quả cao. Với diện tích nuôi 4.400 m2 chia thành 2 ao, ông Hòa nuôi tôm thẻ chân trắng TC – BTC, mỗi năm thu 8 – 8,5 tấn cho lợi nhuận 700 – 800 triệu đồng.
Ông Phạm Thái Hòa chuẩn bị thức ăn cho tôm Ảnh: KT
Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng TC – BTC của ông Phạm Thái Hòa như sau:
– Xử lý mầm bệnh: Đối với các ao bị thiệt hại, cần xử lý triệt để mầm bệnh còn sót lại trong ao nuôi bằng Chlorine (30 kg/1.000 m3), formol (3 – 5 l/1.000 m3, thuốc tím (0,5 – 1 l/1.000 m3)… Sau 3 – 5 ngày mầm bệnh đã được xử lý triệt để bà con có thể tiến hành xả nước ra ngoài.
– Cải tạo ao: Sên vét, loại bỏ lớp bùn đen ra khỏi ao. Tiến hành bón vôi CaO hoặc CaCO3 với liều lượng khuyến cáo 700 – 1.000 kg/ha (pH đất > 6), phơi ao 7 – 10 ngày với mục đích tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước.
– Lấy nước và xử lý: Tiến hành cấp nước vào ao nuôi thông qua túi lọc Sau 3 – 5 ngày tiến hành diệt tạp bằng saponin (15 – 20 kg/1.000 m3); diệt khuẩn, virus trong ao bằng BKC (2 – 3 l/1.000 m3), formol (20 – 30 l/1.000 m3)… Cần bố trí ao lắng chiếm khoảng 30% tổng diện tích canh tác để chủ động việc cấp, thoát nước.
– Gây màu nước: Bà con nên sử dụng các sản phẩm gây màu có các công ty có y tín được bán trên thị trường (các sản phẩm có chứa các nhóm vi sinh vật có lợi như: Bacillus Subtilis, Lactobacillus). Theo dõi chất lượng khi đạt các tiêu chuẩn độ trong (30 – 40 cm), pH (7,5 – 8,5), độ kiềm (80 – 120 ppm)… màu nước vàng khuê, xanh lục thì có thể thả giống.
– Chọn tôm giống: Tôm giống đạt chuẩn PL10 – 12. Sau khi chọn tôm giống thông qua phương pháp cảm quan: kích cỡ đồng đều, đường ruột to, tỷ lệ ruột/cơ đạt chuẩn ¼, bơi lội linh hoạt… tiến hành gây sốc bằng độ mặn (giảm đột ngột xuống 1/2), formol (nồng độ 200 ppm) trong 1 giờ nếu tỷ lệ sống tôm trên 90% là đạt yêu cầu. Đồng thời, xét nghiệm PCR để chọn được tôm giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh.
– Chăm sóc quản lý tôm nuôi: Định kỳ xử lý, quản lý chất lượng nước bằng chế phẩm vi sinh, khoáng chất được phép lưu hành. Quản lý việc cho ăn, xử lý chất lượng bằng việc ghi chép sổ nhật ký hằng ngày. Trong quá trình nuôi hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh để tránh ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi.
Ngoài ra, để tăng tỷ lệ thành công cho vụ nuôi, cần lưu ý:
– Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi bằng chế phẩm vi sinh, khoáng chất có chất lượng đã được phép lưu hành theo quy định của Bộ NN&PTNT. Trong quá trình nuôi tuyệt đối không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật (Cypermethrin) để xử lý nước.
– Sử dụng chạy quạt bằng hệ thống điện có ưu điểm hơn là có thể nuôi với mật độ cao 200 – 220 con/m2, đảm bảo cung cấp ôxy cho tôm nuôi trong suốt vụ, tôm thu hoạch đạt được kích cỡ lớn và có giá cao.
– Hệ thống, trang thiết bị được vệ sinh, tuyệt trùng cẩn thận để đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh, mối nguy bất lợi đến vụ nuôi kế tiếp.
– Chọn tôm giống tại những trại được cơ quan nhà nước quản lý, đạt kích cỡ từ PL10 trở lên và chất lượng được đảm bảo thông qua xét nghiệm PCR. Trong quá trình nuôi hạn chế sự can thiệp của kháng sinh để đảm bảo chất lượng sản phẩm.