Ông Dương Hoàng Khương, sinh năm 1974, ở ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), một tỷ phú nuôi tôm thẻ chân trắng được mệnh danh “bất bại” nhiều năm nay.
Ao nuôi tôm của ông Khương cho thu nhập hàng tỷ đồng Ảnh: Thụy Vũ
Bằng chất giọng sang sảng đặc trưng của đàn ông vùng biển ông Khương kể, đến với nghề nuôi tôm vào năm 2003 từ 10 công đất ruộng. Sau vài vụ nuôi tôm sú thất bại, ông chuyển sang chuyên canh tôm thẻ chân trắng, từ đó “bất bại”. Đến nay, ông có 12 ao tôm (mỗi ao 4.000 – 5.000 m2 mặt nước), tạo công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập khá cho hàng chục lao động địa phương.
Theo ông Khương, con tôm thẻ còn có ưu điểm nổi bật là rất dễ thích nghi với sự thay đổi của môi trường. Vào mùa mưa, độ mặn, nhiệt độ trong nước hạ thấp đột ngột khiến các loài thủy sản dễ bị sốc; nhưng con tôm thẻ chân trắng lại sống dễ dàng trong nước có độ mặn 0 – 40‰. Vì vậy, loại tôm này rất thích hợp để nuôi thâm canh do ít thay nước, mô hình tuần hoàn, khép kín… Tuy nhiên, đối tượng nuôi này cũng có những nhược điểm riêng mà người nuôi cần phải nắm bắt và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để khắc phục. Ông Khương cho biết, một năm có hai vụ tôm chính (thả nuôi mật độ dày) từ tháng 1 đến tháng 8 và một vụ phụ (thả nuôi mật độ thưa) từ tháng 9 đến hết tháng 11. Để đảm bảo một vụ nuôi tôm thành công cần chú ý đến 3 khâu hết sức quan trọng là: nguồn nước, con giống và phòng trừ dịch bệnh.
Điều làm ông Khương băn khoăn nhất hiện nay là tôm giống không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường quá nhiều gây những hệ lụy không tốt cho người nuôi. Có được con giống tốt rồi thì chủ ao phải đảm bảo nguồn nước sạch và áp dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh khu vực nuôi để phòng trừ dịch bệnh như: cấm người lạ vào khu vực nuôi, nhân viên nuôi tôm phải vệ sinh tay chân và dụng cụ bằng thuốc sát khuẩn trước khi cho tôm ăn… Nhất thiết chủ nuôi tôm phải dành 25 – 30% diện tích đất để đào ao trữ và xử lý nước trước khi cho vào ao nuôi.
Nhờ kinh nghiệm và không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học, năng suất nuôi tôm của ông Khương luôn đạt trung bình trên 10 tấn/ha, cao nhất thị trấn Trần Đề (vốn cũng nổi tiếng có nhiều người nuôi tôm giỏi). Với giá tôm loại 1 (30 con/kg) hiện nay là 150.000 đồng/kg, từ 12 ao nuôi, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận hàng năm của ông đạt trên 2 tỷ đồng. Đời sống của người làm công cho ông vì thế cũng được cải thiện. Anh Lâm Sà Rây, một người làm công chia sẻ, công nhân ở đây được lo toàn bộ ăn ở, còn lương tháng 3,5 – 5 triệu đồng; ngoài ra, còn tiền thưởng mỗi vụ thu hoạch là 1 triệu đồng/1 tấn tôm/người.