Tỉnh Phú Yên có 44 hợp tác xã thực chất đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay, trong đó lĩnh vực đánh bắt hải sản có 27 hợp tác xã, nhưng hiện vẫn chưa giải thể.
Các hợp tác xã nghề cá nói trên được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 1997-1999, từ nguồn vốn vay đánh bắt xa bờ và nguồn vốn vay khắc phục hậu quả cơn bão số 5 năm 1997 với tổng số vốn 20 tỷ đồng.
Sau khi thành lập và hoạt động thời gian đầu, các hợp tác xã nghề cá đã giải quyết việc làm cho gần 400 lao động là ngư dân các huyện Tuy An, Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa.
Tàu cá ở Phú Yên
Đến năm 2005, Chi nhánh ngân hàng phát triển Phú Yên chỉ thu nợ gần 2,4 tỷ đồng, chiếm 8,3% so tổng số nợ gốc và lãi.
Để giải quyết tình hình trên, tỉnh Phú Yên thành lập Hội đồng xử lý nợ vay và tiến hành thu hồi 2 đợt được 19 chiếc tàu có tổng số vốn vay ban đầu hơn 14 tỷ đồng. Qua bán đấu giá số tàu nói trên chỉ thu gần 2,93 tỷ đồng.
Như tàu mang số PY 9216 TS của hợp tác xã Thái Bình (huyện Đông Hòa) được vay hơn 920 triệu đồng, nhưng đến khi hợp tác xã tan rã ngân hàng thu hồi tàu đem bán đấu giá thu lại chỉ hơn 100 triệu đồng.
Xã An Hòa (huyện Tuy An) thành lập hai hợp tác xã nghề cá được vay ưu đãi đóng mới hai tàu với tổng số vốn là 1,56 tỷ đồng, trước khi tan rã các hợp tác xã chỉ mới trả nợ hơn 14 triệu đồng.
Ngoài ra, khi tiến hành thu hồi thì phát hiện một tàu đã mất tích; còn một tàu khác có chi phí đóng mới 812 triệu đồng nhưng bán đấu giá chỉ thu 30 triệu đồng.
Trong khi đó, tổng chi phí xử lý tài sản tàu cá (như chi phí giữ, bảo quản, kéo tàu lên bờ, chi phí bán đấu giá, thông báo bán) đã lên đến 26,7 triệu đồng nên thực chất ngân hàng cũng chỉ thu hồi vốn hơn 3 triệu đồng….
Có thể nói, việc thành lập các hợp tác xã nghề cá ở Phú Yên hầu như không có sự chuẩn bị kỹ càng, chỉ với mục đích là khai thác cho được nguồn vốn tín dụng ưu đãi nói trên.
Điều đó thể hiện ở chỗ Ban chủ nhiệm, Ban kiểm soát các hợp tác xã được thành lập cho có lệ và hầu như chưa ai được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn.
Từ sai lầm đó dẫn đến các hợp tác xã hoạt động không đồng bộ từ khâu nhân sự đến lựa chọn nghề, máy móc lẫn phương án sản xuất.
Nhiều xã viên thấy làm ăn không hiệu quả đã tự động ra khỏi hợp tác xã vì thực chất họ hoàn toàn chỉ góp sức, không góp vốn ngoài số tiền vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Do vậy, cũng dễ hiểu việc các hợp tác xã nhanh chóng vỡ nợ, tan rã và thực chất ngừng hoạt động từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại trên danh nghĩa vì còn nợ vốn dự án chờ xử lý.
Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên cần chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với ngân hàng sớm kiểm tra, xử lý dứt điểm tình hình nợ đọng và giải thể các hợp tác xã nghề cá này./.
Thế Lập
Theo Vietnamplus