Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 có hồ sơ xin cấp phép đổ gần 1,6 triệu m3 bùn thải xuống biển. Đây là bùn nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu… phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Hiệp hội Tôm Bình Thuận và nhiều cơ quan khác bày tỏ lo ngại.
Hiệp hội Tôm kiến nghị
Ngày 7/11, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, ông Nguyễn Hoàng Anh, ký công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận “kiến nghị có những giải pháp kịp thời để hạn chế thiệt hại”.
Công văn cho biết, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nằm giữa hai khu sản xuất tôm giống tập trung tại xã Vĩnh Tân, cách các đường ống lấy nước phục vụ sản xuất tôm giống không quá 1 km. Trong khi, việc xin cấp phép đổ bùn ra biển “không nhắc tới ảnh hưởng đến sản xuất tôm giống và nuôi trồng thủy sản xung quanh Nhà máy”. Hiện nay, mùa vụ tôm chuẩn bị bắt đầu, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã nhập lượng tôm bố mẹ rất lớn để phục vụ cho mùa vụ mới.
Hiệp hội Tôm Bình Thuận kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận, trong quá trình tổng hợp các ý kiến về hồ sơ xin cấp giấy phép thải bùn xuống biển cần “đặc biệt quan tâm đến sản xuất kinh doanh tôm giống, môi trường thủy sản xung quanh khu vực nạo vét và đổ thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1”. Xem xét các mặt lợi và hại để có nên cấp phép hay không? Đồng thời, Hiệp hội cũng yêu cầu được cung cấp thông tin những diễn biến liên quan đến môi trường trong vùng của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Yêu cầu này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường. Cần thông tin đầy đủ để Hiệp hội thông báo cho các hội viên biết, ứng phó kịp thời, tránh xảy ra rủi ro nhằm giảm thiệt hại trong sản xuất tôm giống cũng như nuôi trồng thủy sản khác xung quanh Nhà máy.
Một nguy cơ khác cũng được Hiệp hội Tôm Bình Thuận nêu lên, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang nạo vét lấy đất dưới lòng biển để bồi đắp mặt bằng, gây sạt lở đất dọc bờ biển phía sau các khu sản xuất tôm giống xóm 7. Thực trạng ấy gây thiệt hại rất lớn cho các thành viên Hiệp hội Tôm Bình Thuận. Với tất cả những lý do trên, Hiệp hội “kiến nghị UBND tỉnh có những giải pháp kịp thời để hạn chế thiệt hại tiếp theo. Nhằm tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng, không vì lợi ích việc này mà xâm phạm lợi ích cả cộng đồng doanh nghiệp tôm giống đang làm ăn chân chính trong khu vực”.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1
Nhiều lo ngại của các ngành
Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cũng thừa nhận, việc nạo vét sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản, làm cho môi trường trầm tích bị xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến sự di trú của các loài tôm cá trong khu vực. Đặc biệt, nơi đổ bùn cách ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ 500 m, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái, bảo tồn 234 loài san hô, 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng. Hồ sơ xin cấp phép lại chưa khảo sát, đánh giá hệ sinh thái tại khu vực dự kiến đổ bùn, ảnh hưởng đến khu vực bảo tồn biển như thế nào.
Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, ông Huỳnh Văn Thải, cũng nói: “Nếu không có giải pháp lâu dài để bảo vệ môi trường thì nguy cơ đe dọa đến khu bảo tồn từ các dự án của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân là điều khó tránh khỏi. Do đó, đối với dự án đổ thải sau khi nạo vét, các cơ quan chức năng cần xem xét thận trọng nếu có phương án khác thì nên lựa chọn”.
Ngày 31/10, Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận, ông Hồ Lâm đã ký văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, tác động của dự án đối với khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra và tác động mạnh nếu để xảy ra sự cố. Do đó, Sở TN&MT Bình Thuận đề nghị nghiên cứu tận dụng tối đa bùn nạo vét để san lấp các khu trên cạn, tránh ảnh hưởng tới cả tuyến hàng hải ven biển từ Bình Thuận ra các tỉnh phía ngoài.