Sáng nay, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016, triển khai hoạch năm 2017. Với sự tham dự của đại diện các Cục, Vụ, Viện, Hiệp hội. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ văn Tám chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2016 ngành thủy sản trải qua nhiều thăng trầm với những bất lợi từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh, rào cản thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn ghi nhận nhiều thành tựu. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 6,7 triệu tấn, trong đó, khai thác gần 3,1 triệu tấn, nuôi trồng trên 3,6 triệu tấn, diện tích nuôi trồng đạt 1,3 triệu ha, kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD. Thủy sản vẫn là mũi nhọn của ngành nông nghiệp.
Với tôm nước lợ, tổng diện tích nuôi cả nước ước 700.000 ha (bằng 100,72% kế hoạch), sản lượng ước 650.000 tấn, đạt 95,6% kế hoạch, tăng 3,17% so năm 2015. Còn với cá tra, năm qua ghi nhận sự biến động về giá và nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu nhưng vẫn đạt sản lượng khoảng 1,15 triệu tấn.
Về khai thác, tổng sản lượng khai thác vượt kế hoạch đề ra, đạt khoảng 3,03 triệu tấn; với 109,762 tàu; trong đó, tàu dịch vụ hậu cần 2.838 chiếc, tàu khai thác công suất từ 90 CV trở lên là 30.335 chiếc, tàu 20 – 90 CV là 76.589 chiếc.
Mặc dù có được kết quả khả quan, nhưng các đại biểu cho rằng, ngành vẫn còn tồn tại những hạn chế về thủ tục hành chính, chưa triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao trong khai thác thủy sản, việc ngư dân tham gia khai thác bị bắt giữ chưa giảm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhức nhối…
Phát biểu chỉ đạo hoạt động trong năm 2017, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, năm 2017 vấn đề thiên tai, dịch bệnh, thị trường vẫn luôn tác động đến hoạt động sản xuất của ngành thủy sản. Theo đó, cần tập trung thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành gắn xây dựng nông thôn mới, an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc phát triển các dư địa của những sản phẩm chủ lực và sản phẩm có lợi thế của từng vùng. Trong nuôi trồng thủy sản, tập trung vào hai đối tượng chủ lực là tôm (nuôi tôm sạch bệnh và kháng bệnh ứng dụng công nghệ cao) và cá tra (tập trung vào sản xuất con giống); trong khai thác mục đích không phải là tăng sản lượng mà tăng giá trị bằng việc bảo quản sản phẩm chế biến, hiện đại hóa hạn tầng nghề cá, mở rộng thị trường; tạo sự đột phá về xâm nhập và tiến sâu vào các thị trường trong nước; tăng cường thông tin truyền thông để minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời, hiệu quả.