T2, 06/07/2020 12:33

Chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 09/01/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Nghị định, các hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại do ảnh hưởng các loại hình thiên tai được công bố theo quy định pháp luật về thú y, thủy sản, lâm nghiệp và các dịch bệnh công bố dịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Các đối tượng trên sẽ được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu. Để được xem xét hỗ trợ khi bị thiệt hại các hộ sản xuất phải đáp ứng những điều kiện như: Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương. Phải có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Ngoài ra, thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền.

Tuy theo mức độ thiệt hại và đối tượng vật nuôi và cây trồng sẽ có mức hỗ trợ khác nhau. Đối với cây trồng bị thiệt hại trên 70%, mức hỗ trợ tối đa là 30 triệu đồng/ha đối với diện tích mạ lúa lai. Đối với sản xuất lâm nghiệp, diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại được hỗ trợ tối đa là 40 triệu đồng/ha, đối với trường hợp bị thiệt hại trên 70%.

Đối với nuôi thủy, hải sản, trong đó nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/ha đối với trường hợp thiệt hại trên 70% diện tích. Đối với nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại mức hỗ trợ 4 – 8 triệu đồng/ha, tùy theo vào mức độ thiệt hại. Hỗ trợ đối với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại từ 10- 30 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên sẽ được hỗ trợ dao động từ 10 – 30 triệu đồng/ha tùy vào mức độ thiệt hại của hộ sản xuất…

Ngoài ra, Nghị định còn quy định các đối tượng nuôi thủy, hải sản khác như : Nhuyễn thể, cá rô phi, cá nước lạnh, cá nuôi truyền thống khác, các hộ nuôi gia súc, gia cầm, hộ sản xuất muối …đáp ứng các điều kiện sẽ được hỗ trợ khi bị thiệt hại xảy ra.

Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra giám sát và xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất cho những vùng bị thiệt hại.

Các địa phương có trách nhiệm tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tại dịch bệnh gây ra, chủ động thực hiện công tác hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai, các nguồn lực khác để kịp thời khôi phục sản xuất; đề xuất nhu cầu hỗ trợ từ Trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2017.

Văn Thọ

Fistenet

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!