Nhiều ý kiến cho rằng lợi thế của con tôm so với các sản phẩm nông nghiệp khác là tuyệt đối, từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, thị trường đến trình độ canh tác, sự phát triển của của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bộ NN&PTNT cũng xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng lợi thế.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam ngày 6/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) thời kỳ 1999-2010 (Chương trình 224) và ký ban hành Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Những chính sách này có tầm quan trọng đặc biệt, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và NTTS nói riêng.
Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng sản lượng thủy sản đạt 9,89%, thì NTTS đạt tới 17,96%, giá trị xuất khẩu thủy sản cũng tăng bình quân 12,23%/năm. Chương trình này cũng đã đánh dấu sự ra đời của phương thức nuôi tôm công nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp.
Trong đó, trước diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, tôm nước lợ đã nổi lên như một sản phẩm đầy tiềm năng và lợi thế để phát triển. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm 2 loài là tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 80 (thế kỷ 20). Từ năm 1998, tôm thẻ chân trắng bắt đầu được du nhập vào Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp.
Đặc biệt, từ năm 2008, sau khi Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ĐBSCL, nuôi tôm thẻ chân trắng đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng thứ hai sau tôm sú. Đến năm 2013, tôm thẻ chân trắng đã vượt tôm sú về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tôm sú và tôm thẻ chân trắng hiện là mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Chỉ sau 10 năm thực hiện Chương trình 224 và Nghị quyết 09 (2000-2010), diện tích nuôi tôm đã tăng từ 228.610 ha lên 639.115 ha (gấp 2,8 lần), sản lượng tôm tăng từ 97.628 tấn lên 443.714 tấn (gấp 4,5 lần). Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và con tôm thật sự đã trở thành động lực thu hút đầu tư cho hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu.
Năm 2011-2012, ngành tôm Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp (EMS). Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo quyết liệt, mời các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trên thế giới và trong nước về bệnh tôm để xác định tác nhân gây bệnh và tìm giải pháp khắc phục. Do xác định sớm nguyên nhân và kiểm soát được dịch bệnh, năm 2013 và 2014, Việt Nam đã tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh sản xuất (trong khi các quốc gia khác chưa kịp hồi phục sản xuất). Kết quả, ngành tôm nước ta đã có bước bứt phá, năm 2013 lần đầu tiên sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đã vượt tôm sú, năm 2014 đạt tổng sản lượng 657.000 tấn và mức xuất khẩu kỷ lục 3,95 tỷ USD.
Năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp và nuôi tôm do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL như độ mặn tăng cao, tôm chậm lớn, dễ bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng trên 188.000 ha, (trong đó Cà Mau bị thiệt hại 155.890 ha, Kiên Giang 13.800 ha và Bạc Liêu 18.448 ha).
Tính đến ngày 30/6, sản lượng tôm cả nước chỉ đạt 191.560 tấn (bằng 28,2% so với kế hoạch năm 2016). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT và các địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, người nuôi với các giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả rất ngoạn mục.
Tổng diện tích thả nuôi tôm là 694.645 ha (100,1% cùng kỳ 2015) trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 600.399 ha; diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 94.246 ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, bằng 109,5% so với năm 2015, trong đó sản lượng tôm sú là 263.853 tấn, tôm thẻ chân trắng là 393.429 tấn.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.
Năm 2017, thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu những rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến, ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Hiện nay, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 161 thị trường trên thế giới. Nhờ việc ký kết các hiệp định thương mại, thủy sản Việt Nam có lợi thế về thuế quan nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan.
Ngoài ra, một trong những thách thức đối với thủy sản Việt Nam là vấn đề thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hay các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt đang và sẽ được tăng cường. Các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là com tôm sẽ chịu sự cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu tôm trong khu vực và Nam Mỹ…
Bộ NN&PTNT xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường theo 2 hướng là phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp.
Cùng với đó, việc phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững sẽ được thực hiện ở tôm rừng, tôm lúa… tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái.