Nghề săn cá mập ở Nghĩa An (Quảng Ngãi)

Chưa có đánh giá về bài viết

Tuy được biết đến là loài vật hung tợn vào loại nhất nhì của biển cả, nhưng vì lợi nhuận kinh tế mang lại, cá mập vẫn không thể ngán chân những ngư dân lão luyện ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Mỗi năm, với 4 – 5 phiên biển ra khơi, một tàu trung bình câu được khoảng 200 – 300 con cá mập lớn nhỏ và thu về hàng tỷ đồng.

Nghề chỉ dành cho những người “to gan”

Trở về sau chuyến đi khơi dài cả tháng trời, ông Cao Văn Tận (42 tuổi) chủ tàu QNg 97319 và các bạn thuyền, ai cũng phấn khởi vì bội thu 40 con cá mập, trị giá hơn 400 triệu đồng. Trong đó, có con cá mập nặng đến gần 1 tấn.

 

Ngư dân phấn khởi vì bội thu cá mập sau một thời gian dài lênh đênh trên biển

 

Tuy nhiên, để có được niềm phấn khởi ấy trong ngày vào bờ, trước đó, cả 8 ngư dân trên tàu đã phải bỏ ra bao nhiêu mồ hôi, sức lực và thậm chí là máu thịt của bản thân. Với ông Tận và nhiều ngư dân khác làm nghề câu cá mập ở xã Nghĩa An, loài chúa biển tuy rất hung dữ nhưng lại có tiềm năng kinh tế rất lớn nhờ bộ vây, nên đã mang lại thu nhập khá cao cho họ.

Từ xưa đến nay, nghề săn cá mập chỉ dành cho những ngư dân có sức khỏe, kinh nghiệm lão luyện, tinh nhanh và lòng gan dạ đáng khâm phục. Ông Tận kể cho chúng tôi nghe về buổi đầu xuống thuyền ra biển câu cá cùng các anh và cha. Ngay khi nhìn thấy con cá mập thuộc loại trung được mọi người hò kéo lên thì ông đã run sợ, chạy vào buồng lái để trốn, vì chưa bao giờ thấy con cá to mà hung tợn đến vậy.

Ấy vậy mà, trải qua mấy chục năm lăn lộn, sống chết với nghề, giờ đây ông Tận lại trở thành khắc tinh của loài chúa biển. Chưa lần nào ra khơi, mà tàu của ông Tận lại tay trắng trở về.

Ông Tận tâm sự: Hàng chục năm lăn lộn với nghề, các anh em ngư dân đã không ít lần gặp sự cố vì loài “cọp biển”. Để săn được một con cá mập, họ phải có một sự đoàn kết, phối hợp vô cùng ăn ý với nhau để vật lộn với loài cá hung dữ hàng tiếng đồng hồ.

Có lần, khi kéo được con cá mập to lên khoang thuyền, tưởng nó đã đuối sức nhưng bất thình lình lại há cái miệng rộng, đầy nanh sắc nhọn cắn bay luôn gót chân, bắp chân của các anh em ngư dân trên tàu.

 

Dù là loài vật vô cùng hung tợn, nhưng cá mập vẫn không thể thoát khỏi tay của các ngư dân Nghĩa An lão luyện

 

“Nghề này đâu có dễ, ngoài việc phải ra khơi xa hàng tháng trời thì để am hiểu về thuộc tính, tập quán ăn uống của từng loại cá mập cũng phải tốn một thời gian dài. Đó là chưa kể những lần tàu gặp bão ngoài khơi. Lúc đó, anh em ngư dân chỉ còn biết tìm cách cầu cứu các tàu lớn để thoát thân và nhìn tàu mình bị sóng biển cao hàng chục mét nhấn chìm” – Ông Tận thật thà kể.

 

Một mẻ giăng câu thu về tiền tỷ

Trước mỗi một chuyến đi khơi, các ngư dân trên tàu của ông Tận phải chuẩn bị rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là dàn câu và các ngư cụ “khủng” khác. Hiện tại, tài sản mà ông Tận có để làm nghề câu cá mập là chiếc tàu có công suất 160 mã lực trị giá 700 triệu đồng.

Ngư cụ để làm nghề câu cá mập không hề giống với nghề vây rút chì, giã cào, đánh bắt gần bờ. Chỉ riêng dàn câu đã thuộc vào loại “độc” với 1.000 lưỡi câu và dây cước. Mỗi lần giăng câu, các ngư dân phải quăng xa trên 20 hải lý, mỗi lưỡi câu cách nhau chừng 50 m. Mồi câu cá mập cũng phải thật tanh và có nhiều máu mới nhử được loài cá mập cực kỳ tinh khôn. Và còn có nhiều dụng cụ chuyên dụng cho việc săn cá mập như kháu, chĩa… đều được xếp vào loại “hàng độc”.

Công việc câu cá mập trên biển thường bắt đầu từ 3 giờ chiều, và kéo dài đến mãi tận 11, 12 giờ đêm. Ngư dân Võ Phi Hùng, có kinh nghiệm hơn chục năm trong nghề câu mập nói chắc nịch: Lúc sẩm tối là thời điểm cá mập đi kiếm mồi nên thả câu giờ này, chắc chắn cá sẽ dính câu.

Mỗi chuyến ra khơi, trung bình một tàu phải bỏ ra khoảng 150 triệu đồng tiền xăng dầu, thực phẩm… để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sống của ngư dân trên biển trong 1 tháng.

 

Lưỡi câu khủng và bộ phao là 2 trong số nhiều ngư cụ đặc biệt dùng cho việc câu cá mập

 

Anh Hùng chia sẻ: Nói là một tháng, nhưng thực ra chỉ có vài ngày anh em tui làm việc thực sự thôi. Loài này chỉ xuất hiện ở vùng biển cách bờ khá xa. Mỗi lần ra khơi chúng tôi phải cho tàu chạy suốt 6, 7 ngày đêm mới đến được.

Như vậy, chỉ cần 3 – 5 ngày tập trung làm việc thì các anh em ngư dân đã lời to với 40 – 60 con cá mập. Đặc biệt, mùa biển năm trước, ông Cao Văn Trung là ngư dân ở Nghĩa An, chủ tàu QNg 92092, đã may mắn mang về 98 con cá mập trị giá gần 1 tỷ đồng chỉ sau một lần ra khơi.

Có lẽ, nghề câu cá mập không hề mới lạ ở nhiều địa phương ven biển trong cả nước. Tuy nhiên, nhiều ngư dân ở xã Nghĩa An cho biết, chỉ có dân nơi đây mới có gan đi tàu công suất lớn, lăn lộn trên cả vùng biển Đông rộng lớn để săn loại cá này. Thế nhưng, điều đáng tiếc là nghề này đang dần bị mai một.

Bà Võ Thị Lệ Thu – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: Nghề câu cá mập ở Nghĩa An đã tồn tại bao đời nay, nối nghiệp từ đời cha ông đến đời con. Có thời gian, trong xã Nghĩa An có đến 25 chiếc thuyền công suất lớn hành nghề săn cá mập.

Tuy nhiên, vì tính đặc thù phải đối đầu với hiểm nguy bất ngờ nơi đầu sóng ngọn gió, lênh đênh trên biển cả tháng trời nên hiện tại chỉ còn 6 chiếc tàu của các ngư dân thôn Phổ An, Tân An vẫn bám nghề.

Thanh Phương

Theo Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!