Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai chính sách đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung, các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã tích cực vào cuộc để hỗ trợ ngư dân bám biển.
Ngư dân các tỉnh miền Trung đang khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển Ảnh: Lê Hiếu
Khẩn trương, quyết liệt
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển ngày 30/9/2016, ngay sau đó Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Y tế, Công thương thành lập Đoàn công tác hướng dẫn giám sát triển khai bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Các địa phương đã niêm yết danh sách của người dân bị thiệt hại tại các thôn, để cho bà con trực tiếp xem xét, đối chiếu.
Đến nay, Bộ Tài chính đã tạm cấp trước 2 đợt (đợt một là 3.000 tỷ đồng, đợt hai 1.680 tỷ đồng) cho 4 tỉnh miền Trung. Các khoản này đang được các địa phương khẩn trương giải ngân và cố gắng xử lý xong trong quý I/2017. Cùng đó, 4 tỉnh phải trình và Bộ Tài chính thẩm định, rà soát rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính thức về tổng mức thiệt hại của các địa phương để triển khai đền bù, hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, sau khi xử lý đền bù, hỗ trợ cho các địa phương, một khoản tiền do Formosa đền bù, sẽ triển khai 2 dự án lớn: Dự án của Bộ NN&PTNT về khôi phục, tái tạo các hệ sinh thái và dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng hệ thống quan trắc và kiểm soát môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chia sẻ, cuối tháng 2 này, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, họp Ban chỉ đạo lần thứ 6, liên quan đến việc triển khai đề án theo Quyết định 12 của Chính phủ về Phê duyệt Tổng thể xác định thiệt hại bồi thường, khôi phục giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi nghề cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Trên cơ sở cuộc họp tới đây, cùng với việc đẩy nhanh giải ngân đã ứng trước, Bộ sẽ đề xuất các biện pháp thúc đẩy sản xuất, khôi phục về môi trường sinh thái.
Cùng đó, trong quý III – IV năm 2016, Bộ đã chỉ đạo lực lượng kiểm ngư đưa tàu vào 4 tỉnh gặp sự cố để tăng cường phối hợp, cùng địa phương giám sát, khuyến cáo ngư dân không khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào để bảo vệ nguồn lợi, tạo điều kiện khôi phục hệ sinh thái. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn có thể an tâm về độ an toàn của cá bán trên thị trường không cần phân biệt đáy, hay không ở đáy. Mặt khác, Bộ NN&PTNT tiếp tục yêu cầu lực lượng kiểm ngư hỗ trợ 4 địa phương thêm 6 tháng đầu năm 2017, về kiểm soát đánh bắt cá tầng đáy, nhằm giúp nguồn lợi hải sản, hệ sinh thái tầng đáy hồi phục.
Ngư dân tiếp tục vươn khơi
Sự cố môi trường biển đã qua gần 1 năm, hiện, đời sống của nông dân, ngư dân các tỉnh miền Trung dần ổn định, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trở lại bình thường, hoạt động ra khơi của ngư dân cũng tấp nập hơn. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ thủy sản đã sôi động trở lại càng tạo thêm động lực cho ngư dân thêm vững tay lái, tích cực vươn khơi để khai thác đạt hiệu quả cao nhất.
Những tháng đầu năm 2017, hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung vươn khơi đạt sản lượng cao. Tại Hà Tĩnh, những ngày đầu năm, bà con ngư dân các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên… đã xuất hành đánh bắt hải sản mang về nhiều cá đù, cá cháo, cá hố, cá hoa, ruốc… Thời tiết thuận lợi, ngư trường dồi dào, giá tăng cao là tín hiệu vui để bà con yên tâm ra khơi, bám biển… Đặc biệt, ngư dân đã được nhận tiền bồi thường đợt 2 nên có thêm nguồn đầu tư ngư lưới cụ cho mùa đánh bắt mới. Còn tại Quảng Bình, theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có trên 700 tàu thuyền đánh bắt gần bờ ra khơi và khoảng 100 tàu đánh bắt xa bờ (chủ yếu hoạt động theo nghề lồng bẫy, lưới rê và lưới kéo) ngay sau Tết Đinh Dậu đã xuất bến ra khơi. Nhiều tàu đánh bắt gần bờ của xã Hải Ninh (Quảng Ninh), các xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) trong những ngày qua đã bội thu hải sản, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân vùng bãi ngang. Dự báo thời tiết thời gian tới thuận lợi, ngư dân nhận được tiền bồi thường nên phấn khởi vươn khơi, sản lượng đánh bắt sẽ tăng cao. Hoạt động này cũng thúc đẩy nhóm ngành dịch vụ hậu cần nghề cá trở lại sôi động; Hệ thống các cơ sở hấp sấy hải sản, làng chế biến nước mắm, các kho đông lạnh, xưởng đóng tàu thuyền, xưởng cơ khí, đá lạnh… công nhân làm việc liên tục, tạo nên không khí lao động, phấn khởi đầu năm mới.