Tiền Giang: Nghề nuôi cá kiểng mang lại thu nhập khá

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), hiện nay, thành phố có 62 hộ nuôi cá kiểng và được duy trì từ trước tới nay. Mô hình đã cho thu nhập khá cao. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, các hộ này giúp đỡ nhiều gia đình khác tham gia và từng bước nhân rộng thêm mô hình. Nghề nuôi cá kiểng thích hợp với nền nông nghiệp đô thị và đây là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khi còn phục vụ trong quân đội, chú Nguyễn Văn Mót, ấp Long Mỹ, xã Phước Thạnh đã đam mê nghề nuôi cá kiểng, chú thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá kiểng trên các sách, báo và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình nuôi thành công của những người bạn. Sau khi nghỉ hưu, chú bắt tay ngay vào công việc nuôi cá kiểng. Chú xây dựng 9 hồ nổi và tận dụng diện tích mặt nước của 2 ao trước đây bỏ không để nuôi chuyên 2 loại cá là: Phát Tài và Amino (tên gọi khác là Kim sa mắt đỏ). Với loài cá Phát Tài, chú Mót nuôi xoay vòng khoảng 5.000 con, sau 6 tháng bán cho thương lái với giá 15.000 đồng/con, trừ chi phí lãi khoảng 35 triệu đồng. Còn cá Amino, với hình thức nuôi xoay vòng khoảng 1.500 con, sau 3 tháng bán với giá 18.000 đồng/con, trừ chi phí chú lãi khoảng 10 triệu đồng.

 

Chú Nguyễn Văn Mót, ấp Long Mỹ đang cho cá kiểng ăn

 

Theo chú Mót, nuôi cá kiểng không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra và thay nước hồ. Vì nguồn nước bị ô nhiễm cá sẽ bị bệnh với triệu chứng: bơi nghiêng mình, xì bọt mang, tụ vào góc hồ. Theo chú, việc phòng ngừa bệnh là cách tốt nhất, nếu để cá bệnh chữa trị rất khó; tỷ lệ cá chết cao từ 60 – 70% và tiêu tốn cho việc mua thuốc trị bệnh.

Chú Trần Ngọc Sáng, ấp 2, xã Trung An, với bản tínhn siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi, trau dồi kỹ thuật và tích lũy kinh nghiệm, chú đã ép giống thành công những cặp cá Dĩa đủ màu sắc, rực rỡ trong những tủ kiếng trong suốt. Mỗi tháng, chú cung ứng gần 5.000 con cá Dĩa bột, bán với giá 4.000 đồng/con; 20.000 con Bạch Tượng bột, với giá 300 đồng/con và 1.000 con cá Phụng Hoàng. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hàng chục triệu đồng/tháng, ổn định cuộc sống. Hiện nay, chú đang hỗ trợ về mặt kỹ thuật và con giống cho một số hội viên trong Chi hội nông dân Ấp 2 để phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá kiểng.

Còn với anh Lê Văn Hòa, Khu phố 4, Phường 10 đến với nghề nuôi cá kiểng khá thú vị. Trước đây, anh Hòa là thợ hồ nhưng cuộc sống vất vả. Thấy nuôi cá kiểng cho thu nhập khá, anh học hỏi và tập tành nuôi thử nghiệm. Không lâu sau, anh trở thành "nghệ nhân" trong nghề nuôi cá kiểng. Nhờ sự siêng năng học hỏi kỹ thuật và tự trau dồi kinh nghiệm, anh Hòa đã ép thành công nhiều loại cá giống như: cá Chép kiểng Nhật, Ba Đuôi, Bảy Màu, Trân Châu… Không chỉ nuôi mà anh còn cung cấp con giống và thu mua cho trên 20 hộ nuôi cá kiểng trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng, anh cung ứng cho thương lái khoảng 500 kg cá Chép Nhật, lãi 8.000 đồng/kg và 10.000 con cá Ba Đuôi, lãi 300 đồng/con và còn thu nhập từ các loại cá kiểng khác như: Bảy Màu, Trân Châu, Lia Thia… Anh Hòa chia sẻ kỹ thuật ép cá giống tự nhiên: "Phải chọn những con khỏe mạnh, màu sắc rực rỡ; sau đó tách nuôi riêng trống, mái; đợi khi cá mái có trứng, lật bụng lên thấy phần bụng mềm, để cá trống vào chung (với tỷ lệ 2 trống, 1 mái) đến khi cá đẻ xong thì bắt cá bố, mẹ ra". Nhờ mô hình nuôi cá kiểng này gia đình anh Hòa có thu nhập ổn định.

Bá Thủy

Theo Báo Tiền Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!