Chưa khi nào con tôm lại được đặt ở vị trí cao như hiện nay, và cũng chưa thấy bao giờ đối tượng nuôi này chiếm được nhiều sự quan tâm đến thế, từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương.
Khi tôm lên tiếng
Có thể nói, sự bứt phá của con tôm nửa cuối năm 2016 đã không chỉ giúp cho ngành nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, đạt và vượt mục tiêu đề ra, mà còn đưa chính con nuôi này lên một tầm cao mới.
Cụ thể, trước sự sụt giảm không phanh của lúa gạo, con tôm vươn lên như một cứu cánh mới của “trụ đỡ nền kinh tế”. Thậm chí, ngành nông nghiệp đã tin tưởng tuyệt đối và đưa tôm lên làm đầu tàu trong sản xuất và xuất khẩu chung của toàn ngành. Không phụ sự kỳ vọng, con tôm đã có cú “bật” hoàn hảo, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ khi hoàn thành xuất sắc vai trò của mình.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2016 đem về doanh số cao hơn xuất khẩu gạo, trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai của ngành nông nghiệp, chỉ sau cà phê. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Dự đoán, năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu tôm sẽ đạt 3,3 tỷ USD.
Và khi lãnh đạo vào cuộc
Năm 2017, theo kế hoạch của ngành thủy sản, tôm sú, tôm thẻ chân trắng vẫn đóng vai trò sản phẩm chủ lực quốc gia; bên cạnh đó sẽ quan tâm phát triển tôm hùm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, tôm càng xanh tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Để phát triển tốt, cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng; nâng cao giá trị gia tăng của tôm bằng các sản phẩm chế biến. Cùng đó, chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu; kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào dùng trong nuôi tôm; từng bước chủ động việc sản xuất cung ứng giống tôm bố mẹ; tham mưu để Bộ/Chính phủ có cơ chế chính sách tốt huy động đầu tư hạ tầng, công nghệ nuôi, chế biến tôm của các doanh nghiệp.
Đây là những mục tiêu mà ngành thủy sản đặt ra cho con tôm sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thế nhưng, những con số ấn tượng đó chưa làm người đứng đầu Chính phủ hài lòng, bởi như nhận định của Thủ tướng, với những điều kiện hiện tại và so sánh với nhiều nước sản xuất tôm lớn trên thế giới, thì đến năm 2025, giá trị xuất khẩu của ngành này nếu đạt 10 tỷ USD vẫn là quá thấp.
Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi đem so sánh về diện tích sử dụng thì hiệu quả của con tôm hiện nay chưa tương xứng; còn so với giá xuất khẩu của các nước thì tôm của nước ta rẻ hơn rất nhiều. Mặt khác, với sự vào cuộc của khoa học công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể tăng hơn nữa năng suất tôm nuôi trên diện tích ấy. Chưa kể, chúng ta vẫn chưa phát huy được vai trò của tôm sú cỡ lớn, tôm sinh thái, vốn là thế mạnh gần như không có đối thủ trên thế giới.
Không chỉ nâng cao kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ cũng tuyên bố nâng mục tiêu phát triển ngành tôm Việt Nam, hướng tới tăng cường xuất khẩu; và trong thời gian không xa, ngành tôm phấn đấu đạt 10% GDP quốc gia. Như vậy, con tôm đã không còn chỉ so sánh trong ngành nông nghiệp, mà đã có cơ hội đứng ngang hàng với nhiều ngành kinh tế trọng điểm khác của cả nước.
>> Theo chủ trương của ngành thủy sản, trong 5 năm tới, tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp từ hơn 95.000 ha lên 100.000 ha; nâng năng suất bình quân từ 3 – 4 tấn/ha hiện nay lên 10 tấn/ha. Cùng đó, rà soát, quy hoạch lại diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn chuyển đổi linh hoạt sang nuôi tôm, mục tiêu tăng thêm khoảng 200.000 – 300.000 ha, nâng tổng diện tích tôm cả nước lên khoảng 1 triệu ha tới năm 2020. |