Phấn đấu sản lượng tôm nuôi đạt trên 280.160 tấn và đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2020 là mục tiêu mà đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030” vừa được đưa ra tại hội thảo góp ý vào ngày 18/3. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện, trường trong khu vực.
Mục tiêu đề án đặt ra là đến năm 2020 ổn định diện tích tôm nuôi khoảng 280.000 ha và phấn đấu năng suất nuôi bình quân khoảng 1 tấn/ha/năm. Phấn đấu đạt sản lượng 280.160 tấn và mang về kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD, tức tăng gấp đôi hiện nay. Mặc dù Cà Mau nhiều năm qua luôn duy trì được vị trí số 1 trong cả nước cả về diện tích cũng như kim ngạch xuất khẩu, song nghề nuôi tôm của tỉnh hiện đang gặp phải nhiều khó khăn từ thời tiết, dịch bệnh, môi trường, giá cả… Theo đó, nhiều chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng đây là mục tiêu rất nặng nề, nếu không tạo ra được bước đột phá thật sự thì mục tiêu này khó có thể đạt được.
Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, phân tích, để đạt được mục tiêu trong đề án, tức mỗi năm ngành nuôi tôm của tỉnh phải đạt tốc độ tăng trưởng từ 25% trở lên. Con số này cao hơn nhiều so với con số bình quân cả nước là 11–12%. Đồng thời, vấn đề thị trường hiện nay cũng phải hết sức thận trọng, tỉnh phải tận dụng được lợi thế về điều kiện đất đai để tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu tư nhằm tăng sức cạnh tranh.
Là một trong những chuyên gia nhiều năm gắn bó với vùng đất Cà Mau, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II có phần lạc quan hơn khi nhận định mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu có giải pháp và hướng đi hợp lý. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cho rằng, Cà Mau là tỉnh “nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm”, do đó “để tạo ra cú đấm thép” cho nghề nuôi tôm, Cà Mau cần phải giúp người dân kiến thiết lại đồng ruộng. Bên cạnh việc giúp người nông dân cải tạo đồng ruộng bằng những mô hình cụ thể thì điều quan trọng là cần có các gói tín dụng cụ thể cho từng loại hình nuôi để tạo ra bước đột phá thật sự.
Tại hội thảo, đề án cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các sở ngành địa phương cũng như doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề quan trọng như: quy hoạch vùng nuôi, nghề nuôi; vấn đề đảm bảo số lượng và chất lượng tôm giống; hình thức tích tụ ruộng đất để đầu tư loại hình nuôi công nghệ cao; xây dựng HTX kiểu mới, doanh nghiệp xã hội; phát triển chuỗi giá trị tôm… Để đề án thật sự đi vào cuộc sống và tạo ra bước đột phá thật sự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo tổ công tác 2293 (tổ trực tiếp xây dựng đề án) tổng hợp những ý kiến đóng góp trong hội thảo để tiếp tục hoàn thiện đề án sớm trình phê duyệt.