Những bất lợi của thời tiết cộng với chi phí tăng cao, trong khi giá thuỷ sản tăng không đáng kể khiến cho phần lớn ngư dân gặp khó khăn trong sản xuất. Một số thua lỗ, số khác thì vẫn thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, bám biển để duy trì sản xuất. Và có không ít ngư dân cho tàu nằm bờ.
Vụ cá Bắc hàng năm kéo dài 6 tháng, từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Đây là vụ khai thác được đánh giá là có nhiều thuận lợi như hay xuất hiện các đàn cá nổi, cá cũng lớn hơn, có giá trị kinh tế cao hơn; thời tiết thuận lợi hơn vụ cá Nam. Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Ninh, vụ cá Bắc, bà con ngư dân trong tỉnh đã khai thác được 23.570 tấn thuỷ sản các loại, giảm 7,8% so với vụ cá Bắc 2010 – 2011, trong đó sản lượng cá: 17.727 tấn; tôm: 1.505 tấn; mực 1.630 tấn, còn lại là nhuyễn thể và các loại thuỷ sản khác.
Theo đánh giá của ngành chức năng, sản lượng thuỷ sản vụ cá Bắc vừa qua thấp do phần lớn sản lượng cá đều được đánh bắt, khai thác ven bờ, chất lượng thấp, giá bán sản phẩm tăng không đáng kể nên nhiều chủ tàu khai thác hải sản bị lỗ vốn do thu nhập không đủ bù vào chi phí sản xuất, gây khó khăn cho cuộc sống của bà con ngư dân. Việc giá xăng dầu liên tục tăng làm cho hoạt động khai thác hải sản đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Các loại nhu yếu phẩm cần thiết trên thị trường phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản tăng do vậy chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều. Hoạt động khai thác hải sản tại vùng bờ với cường lực lớn vì đây là khu vực hiện đang tập trung đông tàu thuyền khai thác và là khu vực thường xảy ra tranh chấp về mặt không gian. Tại vùng biển này chiếm gần 80% số lượng tàu thuyền của tỉnh hoạt động các nghề khác nhau như lưới rê, lưới kéo, câu, lồng bẫy, te xiệp, cào ngao, cào ghẹ… Ông Phạm Văn Hà, ngư dân xã Quan Lạn (Vân Đồn) cho biết: “Do tàu bé nên tôi chỉ khai thác gần bờ, chủ yếu là các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế thấp, tỷ lệ cá con, cá chưa trưởng thành chiếm tỷ lệ cao trong các mẻ lưới. Mặc dù đánh bắt ven bờ, song do giá dầu tăng cao, có nhiều chuyến khai thác tôi đã bị lỗ”.
Khi nguồn lợi thuỷ sản ven bờ bị khai thác quá mức, có nguy cơ cạn kiệt thì đội tàu công suất lớn, đủ mạnh để khai thác tuyến khơi lại quá ít và gặp không ít khó khăn. Hiện nay, toàn tỉnh có 176 tàu đánh bắt có công suất từ 90CV trở lên hoạt động khai thác tuyến khơi. Ngư trường của các đội tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu là Cô Tô, Thượng Mai, Hạ Mai, Bạch Long Vỹ và vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ vì vậy, chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến ra khơi là rất lớn. Giá xăng dầu tăng cao dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao do chi phí nhiên liệu cho một chuyến ra khơi của bà con ngư dân chiếm tới trên 2/3 chi phí chung; bên cạnh đó, giá các loại vật tư lương thực, thực phẩm, nước đá, ngư cụ, nhân công cũng không ngừng tăng cao từ 25 – 30%, trong khi đó thuỷ sản khai thác được giá cả bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, cộng với tình trạng tư thương ép giá khiến nhiều chủ tàu bị thua lỗ, nhiều tàu phải nằm bờ, một số khác thì hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Sa, ngư dân thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn), chủ một tàu công suất lớn làm nghề chài chụp kết hợp ánh sáng cho biết: “Tàu của tôi máy chính công suất 400CV, máy phụ 120CV hoạt động khai thác tại ngư trường Bạch Long Vỹ và Đông Nam Cô Tô nên mỗi chuyến ra khơi thường mất từ 15 – 20 ngày. Chỉ tính tiền dầu, mỗi chuyến cũng mất từ 70 – 100 triệu đồng. Do giá dầu tăng cao nên hoạt động khai thác của tàu nhà tôi mấy tháng gần đây gặp nhiều khó khăn. Chuyến khai thác gần đây nhất trong tháng 2, tôi bỏ ra gần 100 triệu tiền dầu và hơn 20 triệu tiền nước đá, lương thực trong khi cả chuyến mới khai thác được hơn 30 tấn cá, chủ yếu là cá bé. Sau khi trừ mọi chi phí, trả công 7 lao động thì lỗ gần 50 triệu đồng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đình Minh, Trưởng phòng Khai thác, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: Mặc dù ngay từ đầu vụ, Chi cục đã phối hợp với các địa phương phát bản đồ ngư trường, phân bố các loài thuỷ sản cho bà con ngư dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn cho tàu thuyền, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác cho bà con ngư dân, song vụ cá Bắc năm nay, do chi phí sản xuất tăng cao nên mặc dù sản lượng, doanh thu của các tàu khai thác xa bờ có cao nhưng lợi nhuận giảm. Nhiều chủ tàu thua lỗ, một số thì hoạt động cầm chừng, nhất là các tàu công suất từ 90 – 150CV do khả năng bám biển hạn chế. Vụ cá Bắc, đã có trên 1/3 số tàu khai thác tuyến khơi trong tỉnh nằm bờ hoặc hoạt động cầm chừng chuyến được, chuyến mất; phần lớn các chuyến ra khơi chủ tàu phải bù lỗ, nhiều lao động phải bỏ nghề. Đây là khó khăn lớn cho ngư dân. Nhà nước cần xem xét hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, nhất là đội tàu đánh bắt xa bờ để bà con yên tâm bám biển sản xuất.
Hữu Việt
Theo Báo Quảng Ninh