Tác dụng của dịch chiết lá và hạt sim trong nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã thực hiện nghiên cứu tác dụng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim và hạt sim đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi nước lợ.


Vật liệu nghiên cứu

Trong phương pháp này, lá sim được thu bao gồm lá trưởng thành sau búp hai lá. Hạt sim được thu bằng cách thu quả sim chín, chà tách thịt quả và được rửa sạch bằng nước. Lá sim được rửa sạch và sấy ở nhiệt độ 400C đến khô (khoảng 15 – 16 giờ). Hạt sim được phơi khô tự nhiên. Lá sim khô và hạt sim khô được nghiền nhỏ đến đường kính < 0,1 mm, bảo quả trong túi nilon kín ở 40C làm nguyên liệu để tách chiết.

Phương pháp nghiên cứu

Tách chiết và thu bột chiết lá sim và hạt sim: Mẫu nghiền nhỏ của lá sim khô được thêm dung môi ethanol 40% với tỷ lệ 1/10, chiết lắc trong thời gian 15 phút ở nhiệt độ 900C. Mẫu nghiền nhỏ của hạt sim khô được tách chiết theo phương pháp tách chiết tối ưu cho hạt sim của Lại Thị Ngọc Hà (Thi Ngoc Ha Lai et al., 2014). Bột hạt sim được thêm dung môi ethanol 79% với tỷ lệ 1/20, chiết lắc trong thời gian 79 phút ở nhiệt độ 830C. Hỗn hợp sau khi chiết lắc được ly tâm với tốc độ 6.000 vòng/phút ở nhiệt độ 40C trong 10 phút. Dịch trong thu được sau ly tâm tiếp tục được cô quay chân không để loại bỏ hoàn toàn dung môi ở nhiệt độ 400C. Dịch chiết đã đuổi dung môi, sau đó được đông khô thành bột và được bảo quản ở điều kiện tối trong tủ đá để dùng cho thử nghiệm khả năng diệt khuẩn.

Pha dịch chiết lá sim và hạt sim

Bột dịch chiết lá sim và hạt sim được pha trong dung dịch DMSO (Dimethyl Sulfoxide) đạt nồng độ dung dịch 10, 15, 20, 25 và 30 µg/µl.

Chuẩn bị các chủng vi khuẩn: các chủng vi khuẩn thuần V.parahaemolyticus KC12.02.0, V.parahaemolyticus KC13.14.2 và Vibrio sp KC13.17.5.

Kết quả nghiên cứu

 Tác dụng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim trên vi khuẩn gây AHPND: Kết quả cho thấy dịch chiết lá sim có khả năng tiêu diệt các chủng vi khuẩn Vibrio gây AHPND, đường kính vòng vô khuẩn bình quân tăng dần theo liều lượng dịch chiết lá sim sử dụng. Đối với chủng vi khuẩn V.parahaemolyticus KC12.02.0 đường kính vòng vô khuẩn thu được thấp nhất là 7,67 mm ứng với nồng độ thảo dược là 10 µg/µl và đường kính vòng vô khuẩn thu được cao nhất là 13,33 mm ứng với nồng độ thảo dược là 30 µg/µl. Tương tự đối với chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus KC13.14.2 đường kính vòng vô khuẩn thu được thấp nhất là 10 mm và cao nhất là 14 mm; Đối với chủng vi khuẩn Vibrio sp. KC13.17.5, đường kính vòng vô khuẩn thu được thấp nhất là 7,67 mm và cao nhất là 12,67 mm.

Tác dụng của dịch chiết hạt sim trên vi khuẩn gây AHPND: Kết quả thử nghiệm cho thấy, khả năng tiêu diệt các chủng vi khuẩn Vibrio gây AHPND của dịch chiết hạt sim tương đối tốt. Đối với chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus KC12.02.0  đường kính vòng vô khuẩn dao động từ 12,67 – 18 mm, ứng với nồng độ thảo dược sử dụng tăng dần từ 10 – 30 µg/µl. Tương tự đối với chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus  KC13.14.2  là 12,33 – 17,67 mm và đối với chủng vi khuẩn Vibrio sp. KC13.17.5 là 12,0 – 19,33 mm.

Cả dịch chiết lá sim và dịch chiết hạt sim đều cho kết quả kháng vi khuẩn gây AHPND trong điều kiện in vitro (điều kiện trong phòng thí nghiệm). Tuy nhiên, dịch chiết hạt sim thể hiện hoạt tính kháng vi khuẩn gây AHPND cao hơn so với lá sim; do đó đây là tiềm năng cho nguồn nguyên liệu để phát triển sản phẩm thảo dược phòng trị AHPND trên tôm.

Nguyễn An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!