Hội Nghề cá Việt Nam: Khó khăn không ngăn hành động

Chưa có đánh giá về bài viết

Ra đời từ sự hợp nhất giữa hai hội là Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam tại Đại hội ngày 31/3/2001, trải qua 16 năm phát triển, Hội Nghề cá Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ được vai trò cánh tay đắc lực của ngành thủy sản và chỗ dựa tin cậy của nông dân, ngư dân.

Ngư dân tham gia khai thác thủy sản xa bờ  Ảnh: Xuân Trường

Ngư dân tham gia khai thác thủy sản xa bờ Ảnh: Xuân Trường

Vượt khó

Thủy sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và là mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất của ngành hàng này hàng năm rất lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động; mỗi năm mang về cho đất nước nhiều tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu. Chưa kể, với lĩnh vực khai thác thủy sản, không chỉ tận dụng tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên mà sự hiện diện của ngư dân ở các ngư trường đã và đang là những “cột mốc sống” góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Vai trò lớn là vậy, thế nhưng những năm qua, ngành thủy sản luôn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức với cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan và cả thiên tai lẫn nhân tai.

Đứng trước những khó khăn đó, Hội Nghề cá Việt Nam luôn dõi theo và kịp thời có nhiều hành động can thiệp, đem lại những hiệu quả tích cực, khẳng định được vai trò trong việc tham gia đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của ngành thủy sản và bảo vệ quyền lợi của ngư dân và người lao động nghề cá, được Chính phủ cũng như ngành đánh giá cao.

Hành động kịp thời

Nhiệm kỳ qua, Trung ương Hội đã tập hợp và đề xuất nhiều ý kiến đến các cơ quan quản lý nhà nước về các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh thủy sản và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân, ngư dân. Cùng đó, đóng góp nhiều ý kiến đối với các cơ chế, chính sách đầu tư và tín dụng cho đánh bắt xa bờ, nuôi tôm, cá tra, mua bảo hiểm, dạy nghề, giao đất, hỗ trợ giống, thức ăn…

Kịp thời phản đối các hành vi của lực lượng nước ngoài, nhất là Trung Quốc xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân và chủ quyền biển đảo của Việt Nam; phản đối lệnh cấm đánh bắt cá vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông… Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo vệ ngư dân, nhất là ngư dân khai thác xa bờ, kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ và bảo vệ ngư dân khi hoạt động trên biển.

Tháng 5/2014, trước hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam đã lên tiếng và tổ chức mít tinh phản đối việc làm phi pháp này. Năm 2016, từ sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung khiến hàng trăm tấn cá bị chết, ô nhiễm biển nặng nề, gây thiệt hại lớn về kinh tế, khiến ngư dân mất kế sinh nhai, các hộ nuôi trồng thủy sản, thu mua chế biến, tiểu thương… tổn thất trầm trọng; Hội đã kịp thời kiến nghị Chính phủ và các Bộ NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Công an sớm tìm ra nguyên nhân. Đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Hội cũng cùng với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội ký kết chương trình phối hợp; cùng với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân vùng thiệt hại; Chủ động đề xuất, phối hợp Quỹ Nhân đạo Nghề cá Việt Nam và các tỉnh Hội tổ chức thăm hỏi, động viên ngư dân bị thiên tai, hoạn nạn khi khai thác trên biển…

Định hướng phát triển

Trên cơ sở những kết quả đạt được và nhằm đáp ứng tình hình thực tế, thời gian tới, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh là chỗ dựa của ngư dân, đồng thời có nhiều thay đổi cho phù hợp. Định hướng và xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ IV (2017 – 2022) là thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, “đưa thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất khai thác tài nguyên tái tạo, chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại, tạo sự phát triển đồng bộ”. Đặc biệt, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ có ghi rõ: “Hội Nghề cá Việt Nam và VASEP phối hợp với Bộ NN&PTNT đề xuất cơ chế, chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thủy sản gắn với tổ chức lại sản xuất có hiệu quả và bảo vệ môi trường…”.

Cùng đó, Hội tích cực, chủ động tham gia góp phần xứng đáng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu của ngành thủy sản; Thể hiện vai trò là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nông dân, ngư dân và doanh nghiệp làm nghề cá; Kiên quyết đấu tranh bảo vệ ngư dân, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm sản xuất trên biển, quyết tâm thực hiện thắng lợi chiến lược kinh tế biển, gắn phát triển sản xuất với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Là cầu nối giữa Nhà nước và quần chúng, tập hợp ý kiến và đề xuất giải pháp lên các cơ quan nhà nước. Xây dựng Hội thực sự là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tin cậy của ngành, góp phần đắc lực và sự phát triển ngành thủy sản Việt Nam hiệu quả và bền vững.

Và quan trọng, Hội sẽ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức từ Trung ương đến các địa phương và hội cơ sở theo hướng chuyên nghiệp hóa gắn liền với hợp tác, phối hợp với các đơn vị, vì sự nghiệp phát triển nghề cá hiện đại; Tăng cường hợp tác, phối hợp, liên kết với các tổ chức, các đơn vị liên quan trong nước; mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế… Đó vừa là phương hướng, vừa là chiến lược để Hội Nghề cá Việt Nam hoàn thành sứ mệnh mới của mình.

>> TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Đại hội Hội Nghề cá Việt Nam nhiệm kỳ IV với chủ đề “Tiếp tục đổi mới hoạt động, tăng cường hợp tác và hội nhập, phát triển nghề cá bền vững và hiệu quả” thể hiện quyết tâm của Hội trong nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng lòng, chung sức tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động, xây dựng Hội vững mạnh, đưa nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội của ngành thủy sản Việt Nam.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!