Hỏi – đáp thủy sản tháng 6/2017 (P.1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Tổng hợp câu hỏi gửi về Ban biên tập Tạp chí Thủy sản tháng 6/2017


Hỏi: Ao tôm của tôi xuất hiện nhiều rong đáy và ốc đinh. Cho tôi hỏi có loại hóa chất hay chế phẩm nào có thể kìm hãm sự phát triển và hạn chế sự xuất hiện của chúng, mà không làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong ao nuôi không? (Trần Phát Tài – Đầm Dơi, Cà Mau).

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Rong đáy phát triển là hiện tượng xảy ra nhiều trong ao nuôi tôm, đặc biệt là hình thức nuôi quảng canh. Các biện pháp diệt rong đều được tiến hành trước khi thả giống, sử dụng các loại hóa chất như: CuS04, BKC, Formol… Trong quá trình nuôi, muốn diệt rong đáy để không ảnh hưởng đến tôm thì biện pháp cơ học là lựa chọn phù hợp nhất. Cách thực hiện: dùng lưới kéo rong ra khỏi ao, dùng vợt vớt những rong nổi chết mặt nước, ở cuối ao, tránh để cho rong chìm lại xuống ao. Sau đó nâng mực nước ao lên >1 m và gây lại màu nước, giúp tảo phát triển tạo màng che ngăn chặn sự chiếu sáng của mặt trời xuống đáy ao.

Đối với sự xuất hiện của ốc đinh, cần tiến hành đồng thời một số biện pháp: áp dụng biện pháp xử lý diệt tạp kết hợp với bắt thủ công và thả thêm cua với mật độ từ 0,7 – 1 con/m2 vào ao nuôi.

Hỏi: Tôi muốn nuôi cá trắm cỏ lồng, xin hỏi cách thiết kế lồng nuôi như thế nào cho phù hợp? (Hà Văn Chanh – huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông).

Trả lời: 

Có thể thiết kế lồng nuôi cá trắm cỏ theo một số yêu cầu sau đây:

Lồng được làm bằng tre (gỗ hoặc nhôm) thường có đường kính 3 – 4 cm. Lồng có hình hộp, kích cỡ phụ thuộc vào địa điểm nuôi, thường có chiều dài 6 m, chiều rộng 4 m, chiều cao 1,5 – 2 m. Tuỳ theo điều kiện của gia đình có thể làm lồng kích thước lớn hơn. Phao thường được dùng các loại phi nhựa hay các loại can nhựa và phao để nâng lồng nuôi. Lưới có kích thước mắc lưới 2a = 20 mm. Khung lồng bằng tre hoặc bằng gỗ kích thước 6 x 4 x 1,5 m. Lắp khung đáy và khung nắp lồng có kích thước 6 x 4 m và 4 cọc đứng 1,5 m. Dùng lưới bao mặt đáy, nắp lồng và xung quanh 4 mặt lồng tạo thành hình hộp chữ nhật. Dùng dây buộc để cố định lưới vào khung lồng. Trên nắp lồng làm 1 cửa lồng để tiện chăm sóc và cho ăn. Dùng lưới B40 bao xung quanh lồng để bảo vệ lồng. Tiến hành ráp phao vào khung lồng sao cho nắp lồng cách mặt nước 10 cm. Sau khi lắp ráp, đưa lồng xuống vị trí đặt lồng. Dùng dây gấc, mây hoặc dây thép cố định lồng bằng các neo trụ ở giữa sông hoặc nối lồng với dây buộc ở trên bờ (đóng cọc ở ven bờ để buộc dây).

Hỏi:  Muốn nuôi cua trên cạn phải làm như thế nào? (Nguyenthanhhoa868@gmail.com).

Trả lời:

Muốn nuôi cua trên cạn, cần có diện tích đất từ 200 – 500 m2, có ni-lông hoặc bạt bao xung quanh vùng nuôi, chiều cao 1 m. Thức ăn cho cua đơn giản như khoai mì, cám to hoặc cơm dừa nước, cho ăn với hàm lượng 7 – 10% trọng lượng thân, thức ăn được rải đều. Cho ăn hàng ngày vào sáng sớm hoặc chiều tối, lượng thức ăn buổi tối chiếm khoảng 60 – 70%. Điều quan trọng nhất của việc nuôi cua trên cạn là phải giữ độ ẩm thường xuyên cho cua. Phải tưới nước hàng ngày, có thể bỏ rau rác vào. Tưới nước lúc trời mát nhẹ, trời nắng không tưới. Cần có hang để cua trú ẩn. Trong 3 – 4 ngày đầu, do mới mua về qua thời gian di chuyển nên cua dễ hao hụt. Vì vậy, cần lưu ý thường xuyên theo dõi các hoạt động của cua thời gian này.

TSVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!