Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc đối thoại giữa đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, VCCI, các bộ, ngành liên quan về những bất cập trong quản lý ATTP đối với các doanh nghiệp.
Các quy định ATTP đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp
Đại diện phía doanh nghiệp, VASEP đã đề nghị Bộ Y tế bỏ quy định cấp giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP và thay bằng Bản đăng ký chất lượng thực phẩm. Hay các doanh nghiệp cũng đề nghị quy định rõ 3 phương thức kiểm tra quy định tại Luật ATTP khắc phục tình trạng mỗi Bộ quy định khác nhau; kiến nghị mặt hàng tươi sống mới phải kiểm dịch, mặt hàng vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra ATTP thì giao cho cơ quan kiểm dịch thực hiện…
Trước những bất cập này, tại buổi đối thoại, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và tiến hành thẩm định, công nhận các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật đã có đầy đủ (hiện chiếm khoảng 60 – 70% số quy định công nhận phù hợp ATTP) trong thời gian không quá 30 ngày. Lãnh đạo Bộ Y tế cam kết sẽ sửa các quy định về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đang gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, luật quy định kiểm tra chuyên ngành nhưng nếu chúng ta biết rõ không cần thiết mà vẫn làm theo cách cũ thì không được. Tinh thần là chỉ kiểm tra những gì thực sự cần thiết. Do đó, giao Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38 đưa các nội dung này vào.
Theo số liệu của Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Hải quan), năm 2016 có 163.000 lô hàng phải kiểm tra ATTP khi nhập khẩu. Với khảo sát của Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí cho việc này trung bình 6-10 triệu đồng/lô hàng thì tổng chi phí DN phải chịu từ 978-1.630 tỷ đồng/năm.