Cá chép V1 được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I lai tạo giữa 3 giống cá chép trắng Việt Nam, cá chép vẩy của Hungary và cá chép vàng của Indonesia. Vì vậy, loài cá này có tới 3 loại máu.
Sau 8 tháng, cá có thể thu hoạch Ảnh: Diệp Thanh
Cải tạo ao
Tiến hành tu sửa bờ ao, kiểm tra đăng cống, phát quang bờ; Tát hoặc tháo cạn ao, dọn sạch bèo, cỏ, vét bùn (nếu lượng bùn quá nhiều), san phẳng đáy, lấp hết hang hốc ven bờ ao. Bón vôi đáy ao 8 – 10 kg vôi bột cho 100 m2. Phơi ao khoảng 3 ngày, bón lót bằng cách rải đều khắp ao 30 – 40 kg phân chuồng đã ủ kỹ và 40 – 50 kg lá xanh (lá thân mềm để làm phân xanh) cho 100 m2. Lá xanh được băm nhỏ và rải đều khắp ao. Lọc nước vào ao (qua đăng hoặc lưới đề phòng cá dữ, cá tạp tràn vào ao nuôi) khoảng 0,5 m, ngâm ao 5 – 7 ngày nước ao sẽ có màu xanh nõn chuối (màu của phù du sinh vật), khi mức nước sâu khoảng 1 m tiến hành thả cá.
Mật độ
Nếu nuôi ghép cá chép V1 trong ao với các loài cá khác (như: mè, trắm cỏ, rô hu, mrigal), mật độ cá chép V1 là 1 con/10 – 20 m2. Trong ao nuôi đơn cá chép V1, mật độ thả là 1 con/1,5 – 2 m2.
Mùa vụ thả
Với cá giống lưu từ năm trước, phải thả vào tháng 2 – 3. Cá giống sản xuất trong năm, thả vào tháng 5 – 6 hoặc tháng 10 – 11.
Quản lý, chăm sóc
Ao nuôi ghép: Thức ăn cho cá tùy theo cơ cấu thành phần đàn cá nuôi trong ao và năng suất đạt được. Thức ăn bổ sung bao gồm: Các chất bột ngũ cốc (cám gạo, bột ngô, bột đậu tương, bột sắn…) khoảng 70 – 80% và bột cá, bột tôm, cua, ốc, nhái, giun đất, phế thải lò mổ… 20 – 30%. Thức ăn bổ sung tự chế được trộn đều các thành phần và nấu chín, đùn viên dạng sợi hoặc nắm rải xung quanh ao cho cá ăn, ngày 2 lần sáng và chiều tối. Cho ăn khoảng 2 – 3% khối lượng cá trong ao.
Ao nuôi đơn: Thức ăn cung cấp cho cá chép là thức ăn tổng hợp có hàm lượng đạm tổng số khoảng 20 – 30%. Mỗi ngày, cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều lúc trời mát. Thức ăn để vào sàng ăn đặt cách đáy ao 10 – 20 cm. Cứ 300 m2 ao đặt một sàng cho cá ăn. Lượng thức ăn thay đổi theo các giai đoạn phát triển của cá, dao động 2 – 9% khối lượng cá trong ao.
Buổi sáng hàng ngày thường xuyên kiểm tra ao, nếu thấy cá nổi đầu có tiếng động mà không lặn xuống, phải cấp thêm nước mới vào ao cho đến khi cá không còn nổi đầu nữa; đồng thời ngừng bón phân trong một tuần. Nếu thấy thức ăn vẫn còn trong sàng, phải giảm bớt cho phù hợp. Thường xuyên dọn cỏ, vớt bèo trong ao. Bờ ao bị sụt lở, đăng cống hư hỏng, phải tu sửa kịp thời (nhất là về mùa mưa lũ). Ðịnh kỳ 15 ngày khử trùng 1 lần nước ao bằng vôi bột với lượng 1,5 – 2 kg/100 m2 nước ao. Thường xuyên treo túi vôi bột cạnh sàng cho cá ăn với lượng 2 – 4 kg/túi/sàng. Mỗi tháng kiểm tra cá một lần, xác định khối lượng của 30 – 50 cá thể để theo dõi sinh trưởng và phát hiện tình trạng phát sinh bệnh trong ao nuôi.
Thu hoạch
Bình quân, cá chép nuôi sau 8 tháng có thể thu hoạch. Tỷ lệ sống 80 – 90%, cỡ cá trung bình 0,5 – 0,7 kg/con, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/ha, hệ số thức ăn: 2,2 – 2,5.
Thông tin liên hệ
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Điện thoại: 0222 629 0323).
Trung tâm quốc gia Giống thủy sản miền Bắc (xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; Điện thoại: 0984 853 141).