T2, 06/07/2020 09:59

Cà Mau: Bức xúc xả thải nuôi tôm công nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có gần 4.000 ha nuôi tôm công nghiệp, sản lượng chiếm gần 1/4 cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng thì có khoảng 70% các đầm tôm công nghiệp xả thải thẳng ra môi trường.

Mâu thuẫn giữa các hộ nuôi quảng canh và hộ nuôi công nghiệp ngày càng gay gắt, do các hộ nuôi quảng canh trực tiếp lấy nước vào và không có điều kiện để xử lý nước. Từ đó vấn đề ô nhiễm môi trường vùng nuôi ngày càng trở nên bức xúc.

Đầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất Cà Mau với hơn 62.000 ha, chiếm 75% diện tích tự nhiên toàn huyện và gần 25% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Đó là lợi thế và cũng là thách thức cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ môi trường nước trong mùa sên vét, cải tạo ao đầm vuông nuôi tôm.

Cải tạo đầm nuôi tôm công nghiệp ở xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi. Ảnh: Hoàng Diệu

 

Nguy cơ không kiểm soát được dịch bệnh

Cuối năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/QĐ-UBND về việc sên vét đất bùn, cải tạo ao đầm trong nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm quy định thời gian sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ngoài ra, khi sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải bố trí nơi chứa đất, bùn và các chất thải khác, bảo đảm nước được lắng trong trước khi thải ra bên ngoài. Không được thải trực tiếp bùn, đất hoặc nước thải không bảo đảm độ trong ra sông, kinh rạch gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá điều kiện thực tế của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và xác nhận trước khi tiến hành sên, vét đất, bùn (có xác nhận và cùng giám sát của ấp, khóm).

Trước khi Quyết định số 13 ra đời thì đa phần người nuôi tôm ở Đầm Dơi nói riêng, ở Cà Mau nói chung thực hiện việc sên vét bùn quanh năm, không có thời gian cụ thể. Vuông tôm nào bị cạn, nước bị ô nhiễm, tôm bị chết thì người nuôi tôm bơm thẳng bùn đất từ trong vuông tôm xuống sông, rạch.

Ông Nguyễn Chí Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết, khi Quyết định số 13 được ban hành thì người nuôi tôm ở Đầm Dơi có ý thức hơn trong việc sên vét đất bùn. Theo đó, ngành chức năng cũng có căn cứ pháp lý để xử lý các đối tượng cố tình vi phạm.

Nhiều người nuôi tôm không tuân thủ đúng lịch thời vụ cũngnhư lịch sên vét ao đầm. (Ảnh chụp tại ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước)

Ông Lâm Văn Khiếm, ở ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, cho biết, Quyết định 13 của UBND tỉnh hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, không phải đầm tôm nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề này.

Thứ nhất, với những hộ có diện tích đất lớn mới có điều kiện xây dựng ao chứa bùn. Những hộ còn diện tích đất lập vườn thì sau khi sên vét họ sẽ rào chắn để giữ lại bùn trồng cây ăn trái. Nhưng với những hộ ít đất sẽ xả thải trực tiếp ra môi trừờng. Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi là việc giám sát của chính quyền địa phương có quyết liệt hay không.

Ông Lâm Chí Nguyện, ngụ cùng ấp Tân Long, cho biết thêm, sau khi sên vét ông thường tận dụng phần đất bùn đó để trồng cây ăn trái. Theo ông, nếu thải trực tiếp ra môi trường vừa lãng phí đất đai lại vừa bị ô nhiễm nguồn nước. Một khi nguồn nước bị ô nhiễm thì chính ông cũng là người bị thiệt hại.

 

Cần quyết liệt hơn trong thực hiện

Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, bức xúc, trước đây người nuôi tôm thường hay than phiền con giống kém chất lượng làm ảnh hưởng đến vụ nuôi. Nhưng qua khảo sát thấy rằng, đa số người nuôi tôm công nghiệp đều rất kỹ lưỡng trong chọn lựa con giống (đều có test mẫu trước mỗi vụ nuôi). Như vậy, con giống chưa hẳn quyết định đến việc thành bại trong vụ nuôi.

Trong khi đó, con tôm rất nhạy cảm với môi trường, đặc biệt môi trường nước. Hiện trong toàn tỉnh có khoảng 70% hộ nuôi tôm công nghiệp xả thải thẳng ra sông. Nếu không kiểm soát tốt vấn đề này thì nguy cơ sẽ khó kiểm soát được dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Anh Trần Quốc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (nơi có cụm nuôi tôm công nghiệp vừa được phê duyệt) cho biết, nhìn chung chỉ có khoảng 20% hộ nuôi tôm công nghiệp có ý thức cao trong vấn đề xử lý ao đầm sau mỗi vụ nuôi. Thường là những hộ nuôi với quy mô lớn và có diện tích đất rộng.

Mặc dù UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu về thời gian sên vét cụ thể. Tuy nhiên, theo lịch sên vét đồng loạt thì sẽ vào khoảng tháng 9 – 10. Lúc này vào mùa mưa nhiều, người dân chưa tính đến việc cải tạo ao đầm.

Đặc biệt, những người nuôi tôm công nghiệp do tự phát nên thường cải tạo ao đầm không tuân thủ theo lịch thời vụ (hết mỗi vụ nuôi là họ cải tạo). Do họ nuôi không đồng loạt nên việc cải tạo cũng không thể đồng loạt được.

Ông Trương Văn Trung, hộ nuôi tôm quảng canh ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, bức xúc: “Gia đình tôi thất trắng nhiều năm nay, con cái bỏ xứ đi làm công nhân hết rồi. Nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp xả bùn trực tiếp ra sông, rồi các công ty cũng thi nhau xả thải. Trong khi đó, người nuôi tôm quảng canh như chúng tôi làm sau có điều kiện để làm ao lắng và xử lý nước. Thiệt hại vẫn là những hộ nuôi tôm quảng canh”.

Ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, nhận định, Quyết định 13 đã giao trách nhiệm cụ thể đến từng địa phương. Vấn đề còn lại là các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát việc xả thải từ các đầm tôm công nghiệp khi cải tạo.

Việc xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc sẽ đảm bảo tính răn đe cao đồng thời giải quyết được mâu thuẫn từ các hộ nuôi tôm quảng canh và nhữung hộ nuôi tôm công nghiệp. Ngoài ra, việc quản lý này đồng thời cũng góp phần cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà kiểm soát được dịch bệnh từ vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản.

 

Huỳnh Ngọc

Theo Báo Cà Mau

 

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!