Nỗ lực xây dựng hình ảnh thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc EU rút “thẻ vàng” với thủy sản khai thác từ Việt Nam cũng là cơ hội để đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại hoạt động sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng.

Doanh nghiệp thủy sản cam kết chống khai thác IUU  Ảnh: An Đăng

Doanh nghiệp thủy sản cam kết chống khai thác IUU Ảnh: An Đăng

Thách thức

EC đưa ra lời cảnh báo nói trên là do Việt Nam đã hành động không đủ để chống lại nạn đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thời gian cảnh báo là sáu tháng (từ ngày 23/10/2017 đến 23/4/2018). Sau khoảng thời gian này, khi đoàn kiểm tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản thuộc EC (DG-MARE) đưa ra kết luận, sẽ có ba khả năng xảy ra. Thứ nhất, Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo thẻ vàng sẽ được dỡ bỏ. Thứ hai, nếu việc triển khai các quy định của EU về IUU có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Và khả năng thứ ba, cũng là tình huống xấu nhất, Việt Nam không thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả các quy định, tổ chức này sẽ đưa ra “thẻ đỏ”, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng.

Không chỉ riêng EU, Mỹ cũng đưa ra quy định liên quan đến IUU trong việc giám sát sản phẩm hải sản nhập khẩu. Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Quá trình thẩm định này sẽ gây rất nhiều tốn kém cho các doanh nghiệp nhập khẩu, nhiều lô hàng bị trả về và uy tín thương hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam hàng năm với 1,9 – 2,2 tỷ USD, thì châu Âu và Mỹ, mỗi thị trường chiếm 16 – 17% với giá trị khoảng 350 – 400 triệu USD/năm.

Doanh nghiệp tìm hướng đi mới


Vài năm qua, nhiều nước đã bị EU áp dụng chương trình chống đánh bắt cá trái phép để “thanh lọc” sản phẩm đánh bắt nhập khẩu và kết quả là các nước nhập khẩu đều điêu đứng. Trong thời gian bị “thẻ vàng” Philippines chịu cảnh 70% số container bị trả về. Thái Lan cũng gặp khó suốt 3 năm qua vì chương trình này của EU.

Sở dĩ nhiều nước siết chặt việc đánh bắt hải sản trái phép là do vấn đề này đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tổ chức Hòa hình xanh và nhiều tổ chức bảo tồn trên thế giới phản đối nạn đánh bắt cá trái phép, nhất là đối với các tàu của Trung Quốc. Trong 183 trường hợp đánh bắt trái phép ở sáu nước Tây Phi bị xử lý thì đều là tàu Trung Quốc và 31% vi phạm nhiều hơn một lần. Tại hội nghị sơ kết công tác Biên phòng TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng này cho biết đã phát hiện 183 lượt tàu cá Trung Quốc hoạt động, khai thác ở khu vực cách Đà Nẵng khoảng 40 đến 50 hải lý, 5 vụ tàu cá, tàu chấp pháp Trung Quốc tông va, phá lưới tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Việc các nước “lên án” hoạt động đánh bắt cá trái phép trên toàn cầu và “nói không” với các sản phẩm đánh bắt trái phép đã khiến nhiều doanh nghiệp bị “vạ lây” nếu chưa chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm đánh bắt. Theo VASEP, trong thời gian bị “dính thẻ vàng”, 100% container hàng xuất khẩu bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian sẽ kéo dài tới 3 – 4 tuần/container; phí kiểm tra nguồn gốc khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng. Nếu bị trả về Việt Nam, phí vận chuyển có thể lên đến 4.000 – 5.000 euro/container.

Trong thời gian qua, một mặt VASEP cùng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản đã thống nhất và quyết tâm thực hiện với sự cam kết của của 76 nhà máy chế biến và xuất khẩu hải sản (tính đến ngày 25/10) chỉ thu mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ việc quản lý và truy xuất nguồn gốc hải sản. Đồng thời, VASEP đã và đang phối hợp Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện chương trình hành động quốc gia tuân thủ các quy định về IUU, đáp ứng yêu cầu của thị trường EU. 

>> Hiện, hơn gần 70 doanh nghiệp hải sản lớn của Việt Nam đã tham gia cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chắc chắn thời gian tới sẽ còn nhiều doanh nghiệp tham gia cam kết này. Việt Nam mong muốn cải thiện hình ảnh đánh bắt và xuất khẩu hải sản, để EU không chuyển sang cảnh báo “thẻ đỏ” sau 6 tháng tới và quyết tâm lấy lại “thẻ xanh” cho ngành thủy sản.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!