Chỉ còn 1 tháng là kết thúc năm 2017, các cấp, bộ, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang dốc sức cho mục tiêu cuối năm. Năm 2017, ngành thủy sản đặt mục tiêu mang về kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD, để có được điều này, rất nhiều việc cần thực hiện.
11 tháng, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,57 tỷ USD Ảnh: Phan Thanh Cường
Lạc quan từ nuôi trồng
Những tháng cuối năm, người nuôi thủy sản các tỉnh đang tranh thủ mọi điều kiện để tập trung củng cố ao đầm, bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi bù đắp thiệt hại do thời tiết gây ra. Sản lượng nuôi thủy sản tháng 11 tháng đạt 3.518 nghìn tấn, tăng 8% so cùng kỳ năm trước.
Về cá tra, diện tích nuôi của các tỉnh ĐBSCL 11 tháng qua đạt 5.822 ha, tăng 2% so cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thu hoạch 1.207,5 nghìn tấn (tăng 4,3%).
Về tôm nước lợ, sản lượng thu hoạch 11 tháng ước 636,3 nghìn tấn, tăng mạnh (9,9%) so cùng kỳ năm 2016, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tôm thu hoạch vừa đúng vụ vừa được giá. Diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng. Cụ thể: diện tích nuôi tôm sú 11 tháng đạt 562,2 nghìn ha (giảm 1,6%); sản lượng 237,6 nghìn tấn, tăng 4,3%. Tôm thẻ chân trắng với diện tích 79,1 nghìn ha (tăng 20,1%) và sản lượng 276,9 nghìn tấn, tăng tới 33,3% so cùng kỳ năm 2016.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng đầu năm 2017 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản ước 7,57 tỷ USD, tăng 18,3%.
Cơ hội thị trường
Theo VASEP, trong 10 tháng đầu năm, giá trị tôm xuất khẩu sang EU đã đạt 693,8 triệu USD, tăng 22% so cùng kỳ 2016. EU đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt đạt kim ngạch nhập khẩu là 580,6 triệu USD, tăng 18,4%; sang Trung Quốc trên 500 triệu USD, tăng 18,2%…
Ấn Độ, một cường quốc mới nổi của ngành tôm và là đối thủ đáng gờm của Việt Nam bị khủng hoảng vì dịch bệnh. Người nuôi sử dụng kháng sinh tràn lan và dư lượng kháng sinh trong tôm Ấn Độ đã khiến nhiều thị trường có phản ứng tiêu cực. EU và Mỹ là các thị trường nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD tôm Ấn Độ đã cảnh báo khả năng ngừng nhập khẩu tôm của nước này vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018 do dư lượng kháng sinh cao. Việc tôm Ấn Độ và một số vùng nuôi khác lao đao vì dịch bệnh đã khiến tôm nguyên liệu trên toàn cầu thiếu hụt và giá tôm nguyên liệu tăng; người nuôi tôm Việt Nam khá phấn khởi khi tôm bán được giá, điều đó cũng giúp người nuôi củng cố niềm tin vào nuôi trồng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và giảm thiểu kháng sinh. Trong tháng 10/2017, giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau đạt ngưỡng cao. Giá tôm sú loại 30 con/kg đạt 215.000 – 220.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 180.000 – 190.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so cùng kỳ 2016. Giá tôm thẻ chân trắng dao động 105.000 – 107.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), cao hơn khoảng 10%.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang triển khai các chương trình nhằm mở rộng ứng dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) tại các vùng nuôi thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực, có cơ sở hạ tầng đồng bộ tại vùng ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Duyên hải miền Trung; nhằm cung cấp cho thị trường thế giới các sản phẩm chất lượng, an toàn.
Tình hình xuất khẩu cá ngừ cũng có rất nhiều triển vọng, đây cũng được xem là một trong những đối tượng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo thống kê, 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng so cùng kỳ năm 2016 với trị giá 487,4 triệu USD. Ngoài sự tăng trưởng ở những thị trường truyền thống, sản phẩm cá ngừ cũng thâm nhập mạnh vào nhóm thị trường mới nổi và giàu tiềm năng như Trung Đông, Mexico…
Mỹ vẫn là thị trường số 1 nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam, giá trị tới 188,1 triệu USD, chiếm 38,6%, tiếp đó là EU đạt 115,5 triệu USD, chiếm 23,69%, ASEAN là 36.118 USD, chiếm 7,4%… Cá ngừ vằn chế biến và đóng hộp là 2 sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu cá ngừ nhập khẩu của Mỹ. Hiện nay, giá những sản phẩm này của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tương đương với giá sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Philippines và gần với mức giá cá ngừ nhập khẩu bình quân vào Mỹ (4,5 – 5 USD/kg) nên có khả năng cạnh tranh tốt.
Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu
Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều tăng, cho thấy vị thế của Việt Nam trên trường thế giới ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận bạn bè thế giới, trong đó có các mặt hàng thủy, hải sản.
Tuy nhiên, dự báo thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018 xuất khẩu cá tra sẽ gặp khó khăn, nhất là với thị trường Mỹ; khi kể từ ngày 2/8/2017, Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ áp dụng việc kiểm soát 100% lô hàng và ngày 13/9/2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra fillet đông lạnh từ Việt Nam, giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016, với mức thuế 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ POR 12.
Tuy vậy, ngoài những khó khăn gặp phải tại thị trường Mỹ mà chủ yếu xuất phát từ chính sách hơn là từ thị trường; mặt hàng cá tra lại đang được rất nhiều thị trường quan tâm và đến tháng 10/2017, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt gần 1,48 tỷ USD, tiệm cận gần với mốc 1,7 tỷ USD mục tiêu theo kế hoạch đề ra trong năm 2017.
Sở dĩ tiêu thụ thủy, hải sản trên thị trường thế giới tăng trưởng mạnh là do kinh tế thế giới đang phục hồi tốt và nhu cầu sử dụng nhóm hàng này tăng cao. Nhất là với thị trường Trung Quốc, đã trở thành mảnh đất giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp thủy sản nếu biết tận dụng việc giao thương giữa hai nước. Ghi nhận, đến nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng vượt bậc và dự kiến sẽ còn tăng vào cuối năm 2017 và sang năm 2018.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, do nhu cầu tăng mạnh trên toàn cầu, thương mại thủy sản thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 5,8% lên 150,9 tỷ USD trong năm 2017. Giá thủy sản toàn cầu năm 2017 tăng 1,1% so năm 2016.
>> Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT về việc thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường nông, thủy sản thời gian tới, nhất là các tháng cuối năm 2017. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ có thể đạt con số 8 tỷ USD nếu xuất khẩu trong tháng 12 tiếp tục tăng trưởng tích cực. |