UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho ngành chức năng và chính quyền các địa phương thống kê chính xác con số thiệt hại của 19 chủ tàu…
Những tàu vỏ thép 67 của ngư dân Bình Định nằm bờ suốt thời gian dài do hư hỏng
Sau khi xuất xưởng chưa bao lâu, 19 tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 của ngư dân Bình Định đã phải nằm bờ do hư hỏng trầm trọng, sau đó thêm thời gian dài “nằm đà” để sửa chữa, nên gần 1 năm nay 19 chủ tàu khốn đốn vì không đi đánh bắt được và vì món nợ quá hạn của ngân hàng.
Sau sự cố này, để đảm bảo quyền lợi cho các chủ tàu, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho ngành chức năng và chính quyền các địa phương thống kê chính xác con số thiệt hại của 19 chủ tàu. Mới đây, Sở NN-PTNT Bình Định đã chính thức có văn bản yêu cầu 2 đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Cty Đại Nguyên Dương) và Cty TNHH MTV Nam Triệu (Cty Nam Triệu) đền bù cho ngư dân khoản thiệt hại gần 46 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, 19 tàu vỏ thép 67 kém chất lượng do Cty Đại Nguyên Dương và Cty Nam Triệu đóng được đề nghị đền bù trong đợt này ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và TP Quy Nhơn.
Trong đó, Cty Nam Triệu đền bù 14 chủ tàu với số tiền yêu cầu là 36.544.251.000đ, bao gồm: Chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị, ngư lưới cụ bị hư hỏng (5 tàu) hơn 1,7 tỷ đồng; tiền lỗ tổn, phí thuê thuyền viên do tàu hư hỏng khai thác không hiệu quả (13 tàu) gần 4,5 tỷ đồng; thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển (3 tàu) 420 triệu đồng; bị hư hỏng thủy sản (4 tàu) số tiền hơn 2 tỷ đồng; bù khoản chi sinh hoạt gia đình, trả phí neo đậu trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa và chi phí khác (7 tàu) 584 triệu đồng; chi phí nhiên liệu đưa tàu đến nơi sửa chữa (3 tàu): 60 triệu đồng; tổn thất lợi nhuận do tàu nằm bờ do sửa chữa không khai thác được (10 tàu) số tiền 9,32 tỷ đồng; thuê thuyền viên trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa (7 tàu) 2,93 tỷ đồng; nợ gốc, lãi ngân hàng (12 tàu) 14,849 tỷ đồng; hỗ trợ nhiên liệu theo quyết định số 48/2010/NĐ-CP (6 tàu) 2,2 tỷ đồng; trả lại tiền phí thiết kế tàu (7 tàu) 670 triệu đồng; tiền ăn thuyền viên, phí sửa hầm lưới và hầm đá (1 tàu) 425 triệu đồng; phí hao mòn tài sản (1 tàu) hơn 483 triệu đồng.
Ảnh: Vũ Đình
Cty Đại Nguyên Dương phải đền bù thiệt hại cho 5 chủ tàu với tổng số tiền yêu cầu đền bù và hỗ trợ là hơn 9 tỷ đồng, bao gồm: Chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị, ngư lưới cụ bị hư hỏng (4 tàu) số tiền gần 747 triệu đồng; lỗ tổn phí, thuê thuyền viên do tàu hư hỏng khai thác không hiệu quả (5 tàu) số tiền hơn 1,9 tỷ đồng; chi sinh hoạt gia đình, trả phí neo đậu trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa, chi phí khác (4 tàu) hơn 118 triệu đồng; chi phí nhiên liệu đưa tàu đến nơi sửa chữa (4 tàu) 65 triệu đồng; tổn thất lợi nhuận do tàu nằm bờ do sửa chữa không khai thác được (2 tàu) 1,35 tỷ đồng; thuê thuyền viên trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa (3 tàu) 723 triệu đồng; nợ gốc, lãi ngân hàng (5 tàu) hơn 3,2 tỷ đồng; hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ 48 (2 tàu) số tiền 700 triệu đồng; trả lại tiền phí thiết kế tàu (3 tàu) 180 triệu đồng.
“Chúng tôi đã đề nghị Cty Đại Nguyên Dương và Cty Nam Triệu có ý kiến chính thức về việc giải quyết yêu cầu đền bù và hỗ trợ thiệt hại của 19 chủ tàu cá nêu trên bằng văn bản, gửi về Sở NN-PTNT Bình Định trước ngày 15/12/2017 để phối hợp giải quyết và báo cáo cho UBND tỉnh Bình Định, Bộ NN-PTNT xem xét, chỉ đạo”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.