An toàn thực phẩm: Tầm quan trọng toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

Nông nghiệp muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tập trung giải quyết an toàn thực phẩm phát triển thị trường. Đây cũng là hướng đi ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đang hướng tới.

ATTP được nhiều doanh nghiệp chú trọng   Ảnh: Phan Thanh Cường

ATTP được nhiều doanh nghiệp chú trọng  Ảnh: Phan Thanh Cường

Yếu tố sống còn

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được cả Chính phủ lẫn người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Việc nâng cao chất lượng thực phẩm là một trong những điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm có thể cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thủy sản là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao của ngành nông nghiệp, nhưng, phần lớn sản phẩm xuất khẩu mới ở dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị còn chưa như mong muốn. Trong đó, nhiều sản phẩm có mặt tại  thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Ngoài những hạn chế về quy mô sản xuất manh mún, ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao còn hạn chế… Công nghiệp chế biến phát triển chậm, chỉ khoảng 25 – 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại.

Theo Ngân hàng Thế giới, một trong những mặt hạn chế trong sản xuất nông sản tại Việt Nam đó chính là vấn đề kiểm soát ATTP cả sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; đây là vấn đề trọng tâm cần được Việt Nam chú trọng giải quyết trong thời gian tới. Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, bà Nienke Trooster cho biết, ATTP là vấn đề có tính quan trọng toàn cầu, đây cũng là điều được cả Hà Lan và Việt Nam quan tâm; theo đó, Chính phủ hai bên đã có những nỗ lực trong việc hợp tác hỗ trợ và giải quyết những rủi ro về ATTP. Cùng đó, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật chất lượng cao trong việc phát triển một hệ thống quản lý ATTP tốt hơn, Hà Lan sẽ cung cấp kiến thức và công nghệ mới nhất trong các lĩnh vực ATTP, sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị và nuôi trồng thủy sản bền vững để hỗ trợ cho nông nghiệp Việt Nam.

Hành động của Việt Nam

Là một trong hai tỉnh có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong cả nước, TP Hồ Chí Minh cũng luôn coi trọng đến vấn đề ATTP; bởi điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Vào tháng 11 vừa qua, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã khảo sát và ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thủy sản bảo đảm ATTP giữa hai địa phương. Hai đơn vị phân phối và khai thác là Saigon Co.op và Công ty TNHH Mười Tuyền (Bình Thuận) đã tiến hành ký kết nhằm tăng cường đầu tư hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa kinh doanh trong hệ thống bán lẻ của mình với mức tiêu thụ khoảng 100 tấn hải sản mỗi tháng.

Hay tại Bến Tre, đến năm 2020, sẽ ổn định diện tích nuôi thủy sản 46.000 -47.000 ha, trong đó nuôi thâm canh 8.000 – 10.000 ha, sản lượng  250.000 – 300.000 tấn, gồm các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu, cá tra và tôm càng xanh. Thời gian tới, Bến Tre sẽ xây dựng các vùng nuôi thủy sản an toàn theo hướng liên kết, thí điểm và nhân rộng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên và tập trung triển khai thực hiện các dự án về giống, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh và thú y, thủy sản tại 3 huyện biển. Cùng đó, hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến thủy sản đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến, kết hợp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chế biến, tiêu thụ…

Để nuôi trồng thủy sản an toàn, theo chia sẻ của các chuyên gia, trong suốt quá trình nuôi người nuôi không được sử dụng các hóa chất, chế phẩm sinh học… không có trong danh mục được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng, không lạm dụng hóa chất, kháng sinh để chữa trị bệnh cho thủy sản, không xả nước và các chất thải từ ao, đầm nuôi khi chưa xử lý ra môi trường xung quanh. Đặc biệt, thức ăn cho tôm phải được chọn lựa kỹ, chọn các loại sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, tại các cơ sở có uy tín. Đến gần thời điểm thu hoạch, người nuôi tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để đảm bảo sản phẩm an toàn khi cung cấp ra thị trường…

Trong kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt cũng đề cập đến vấn đề cần tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái… nhằm tạo nguồn sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

>> Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam nhấn mạnh đến bốn ưu tiên của FAO trong giai đoạn 2017 – 2021. Trong đó, có thí điểm, hướng dẫn và tổ chức các lớp học tại đồng (FFS) về thực hành nuôi tôm có trách nhiệm và bền vững ở Bạc Liêu và Sóc Trăng; Nghiên cứu chính sách liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; Đẩy mạnh việc mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản kết hợp với rừng ngập mặn để bảo đảm lượng cacbon xanh và tăng trưởng xanh.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!