Thứ nhất: Soát xét, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Vấn đề ATTP là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Ảnh: CTV
Luật An toàn thực phẩm ban hành năm 2010, đến nay đã được 8 năm, kiến thức liên quan đến ATTP của thế giới đã có nhiều nội dung mới nhằm làm cho hoạt động kiểm soát ATTP hiệu quả và ít tốn kém hơn. Mặt khác, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định hợp tác kinh tế thế hệ mới (Hiệp định hội nhập sâu) với các quốc gia trên thế giới, tất cả các hiệp định này đều có nội dung SPS (ATTP và an toàn sức khỏe động, thực vật), nhưng Luật An toàn thực phẩm của Việt Nam chưa nêu rõ nét về vấn đề này. Các Thông tư liên tịch và Thông tư hướng dẫn về ATTP của các Bộ (Y tế, Công thương, Nông nghiệp) quá nhiều và chồng chéo, mâu thuẫn khiến cho việc thực hiện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa không hiệu quả, vừa lãng phí. Việc soát xét hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP là cơ hội để cập nhật các kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu với kinh tế thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chân chính phát triển.
Thứ hai: Xây dựng bộ tài liệu đào tạo và truyền thông về ATTP và triển khai trong thực tế
Việt Nam hiện vẫn chưa có bộ giáo trình đào tạo về ATTP để áp dụng thống nhất cho ba Bộ (Y tế, Công thương, Nông nghiệp). Trong ngành nông nghiệp, tài liệu đào tạo cho quản lý ATTP giữa các lĩnh vực cũng không dựa vào chuẩn mực chung đã được thống nhất trên thế giới mà dựa vào kiến thức của lực lượng cán bộ hiện có và chỉ đạo của lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị. Cán bộ được nhận vào làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP chỉ phải trải qua kỳ thi tuyển công chức thông thường, mà không được coi là ngành nghề cần được đào tạo và thi tuyển theo chuyên môn, nghiệp vụ riêng. Đã xảy ra không ít trường hợp cùng một sự việc về ATTP nhưng cơ quan quản lý nhà nước của các Bộ có ý kiến xử lý khác nhau, vì vậy các cơ quan truyền thông gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc truyền tin chính xác và trung thực tới người tiêu dùng.
Từ những lý do nêu trên, kết hợp với việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến về ATTP trên thế giới (EU, Mỹ, Nhật Bản), chúng tôi đề xuất các tài liệu cần xây dựng gồm: Tài liệu đào tạo cho cán bộ trước khi tuyển dụng vào cơ quan quản lý nhà nước về ATTP; Tài liệu đào tạo cho cán bộ quản lý của các cơ sở trong chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm; Tài liệu phổ biến kiến thức về ATTP cho người tiêu dùng và cơ quan truyền thông. Cần quy định rõ người muốn vào làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước về ATTP nhất thiết phải trải qua khóa đào tạo về ATTP và phải thi đạt kết quả; Những cán bộ đang làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, định kỳ phải được nâng cấp và cập nhật kiến thức về ATTP.
Thứ ba: Rà soát sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo hướng tinh, gọn và hội nhập
Từ tháng 9 – 11/2017, Dự án hỗ trợ thương mại đa biên, do EU tài trợ cho Bộ Công thương (EU – MUTRAP) đã cho triển khai hoạt động “so sánh, tổ chức, kiểm soát SPS gữa Việt Nam và EU trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực”. Kết quả cho thấy, EU có một cơ quan kiểm soát ATTP và một điểm hỏi đáp SPS (đại diện cho 28 quốc gia thành viên) làm việc với Việt nam về tất cả sản phẩm và các vấn đề về ATTP; nhưng Việt Nam có tới 13 cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ATTP và có tới 3 điểm hỏi đáp SPS về ATTP thuộc 3 Bộ (Y tế, Công thương, Nông nghiệp). Điều này thể hiện hệ thống tổ chức kiểm soát ATTP của Việt Nam quá phân tán, cồng kềnh và không hiệu quả. Kiến nghị: Chính phủ, các bộ nên nghiên cứu tinh gọn đầu mối quản lý nhà nước về ATTP và chỉ có một điểm hỏi đáp về SPS để đảm bảo tương đương với các quốc gia trên thế giới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ tư: Chuyển tất cả các cơ quan kiểm nghiệm ATTP thành tổ chức dịch vụ công, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp
Để giúp việc cho quản lý nhà nước về ATTP, mỗi Bộ có từ 5 đến 10 Trung tâm kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP. Ngoài việc phải đầu tư nhà xưởng và thiết bị, còn có hàng nghìn cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tên gọi là “viên chức”. Bên cạnh đó, số lượng tương đương hoặc nhiều hơn các phòng kiểm nghiệm tư nhân được nhà nước chỉ định cũng đang thực hiện cùng nhiệm vụ như các phòng kiểm nghiệm nhà nước. Hiện trạng trên dẫn tới sự không công bằng giữa 2 cơ quan có cùng chức năng và nhiệm vụ, không đảm bảo tính khách quan trong kiểm tra ATTP và trái với chủ trương xã hội hóa hoạt động dịch vụ công của Đảng và Nhà nước.
Để khắc phục tình trạng trên, kiến nghị Nhà nước chỉ nên duy trì khoảng 3 phòng kiểm nghiệm có đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi, thiết bị hiện đại để làm nhiệm vụ đào tạo kỹ thuật viên cho cả nước và làm nhiệm vụ kiểm chứng khi có tranh chấp, tất cả các phòng kiểm nghiệm khác nên chuyển sang hình thức tổ chức dịch vụ công, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Thứ 5: Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cơ quan báo, đài trong phản biện xã hội, tham gia phát triển chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn và truyền bá kiến thức về ATTP cho người tiêu dùng và toàn xã hội
Cả nước hiện nay có trên 3.000 tổ chức Hội, Hiệp hội ngành nghề, trong đó gần 50% thuộc lĩnh vực ATTP, hàng trăm cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương. Đây là nguồn lực và lực lượng rất quan trọng trong việc tham gia thực hiện và truyền bá về ATTP; trong xây dựng và hướng dẫn triển khai các chương trình kiểm soát ATTP ở tất cả các công đoạn sản xuất của chuỗi sản xuất thực phẩm; trong xây dựng các quy chuẩn quốc gia về ATTP và đặc biệt là tham gia các hoạt động đào tạo, các hoạt động tuyên truyền kiến thức cho người tiêu dùng và toàn xã hội. Để làm được điều này, Nhà nước cần đánh giá đúng vai trò, vị trí của từng tổ chức, có chính sách phù hợp để các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy vai trò trách nhiệm trong lĩnh vực ATTP.
>> Mấy năm gần đây, ngày càng nhiều thông tin về việc sản xuất nguyên liệu thực phẩm và chế biến thực phẩm không an toàn; liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm gây hoang mang dư luận. Vấn đề trở nên đặc biệt nóng tại các kỳ họp Quốc hội cuối khóa XIII và 2 năm đầu của Quốc hội khóa XIV. Với mong muốn góp phần vào việc nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, xin đề xuất một số giải pháp liên quan đến sản xuất và quản lý nhà nước về vấn đề này. |