Xăng dầu tăng, làm đội chi phí ra khơi. Thế nên, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đã tự tìm kiếm các thiết bị hỗ trợ, máy dò ngang, đo nước… nhằm khai thác hải sản đạt hiệu quả cao và giảm phí tổn.
Những chuyến ra khơi thu tiền tỷ
Năm 2010, anh Nguyễn Gia Viên (40 tuổi, thôn Tây, An Vĩnh, Lý Sơn) là một trong số ít ngư dân trên địa bàn mạnh dạn tiên phong trong việc lắp đặt máy dò ngang, phục vụ những chuyến đánh bắt. Chiếc tàu cá QNg-96111 công suất 150CV của anh Viên được gắn thiết bị hỗ trợ mới, chỉ chuyến đầu ra khơi đã bội thu trông thấy. Anh Viên kể, cuối năm 2011, tàu của anh đánh bắt ở phía ông cách đảo Lý Sơn chừng 30 hải lý. Chiếc máy ngang quét 1 lượt đã xuất hiện những điểm báo đen đặc cá. Sau nhiều giờ đồng hồ vất vả vây lưới, hơn 30 tấn cá nục đã nằm gọn trên khoang tàu. Chỉ riêng mẻ lưới này, tiền bán cá thu về trên 600 triệu đồng. Mỗi chuyến ra khơi 10 – 12 ngày, đạt tiền tỷ không hiếm đối với chúng tôi" – anh Viên nói.
Cá về cảng Sa Kỳ
Với hiệu quả rất lớn từ thiết bị máy dò ngang mang lại, cuối tuần qua, tại cảng Sa Kỳ, chiếc máy dò ngang hiệu Futurno (trị giá gần 500 triệu đồng) đã được anh Viên lắp đặt thành công vào tàu cá QNg-96515TS. Đây là chiếc máy dò cá thứ hai trong đội tàu thuyền 3 chiếc ngang dọc vùng biển phía Bắc và Hoàng Sa, Trường Sa. Có máy dò ngang, anh Viên tổ chức đội tàu 3 chiếc của mình xuất phát cùng thời điểm. Chiếc đi đầu dùng máy dò tìm "tọa độ cá", chiếc thứ hai khai thác và chiếc nhỏ chuyên chở cá cập bờ. Máy có đến 2 tia quét, nên phát hiện các luồng cá ở đường kính lên đến cả nghìn mét. Nhờ đầu tư máy dò ngang mà đội tàu anh Viên nổi tiếng vì hiệu quả đánh bắt khá lớn so với những tàu cá khác. Trung bình mỗi năm, tàu thuyền của anh Viên thu lợi 5 – 6 tỷ đồng.
Anh Phạm Tấn Dũng (38 tuổi, thôn Tây, An Vĩnh), chủ tàu QNg-96411 TS tham gia đề án, được Trung tâm Khuyến ngư hỗ trợ một nửa số tiền lắp đặt máy dò ngang vào năm 2010 (250 triệu đồng/máy) cho hay: Bình thường mỗi chuyến ra khơi tàu thuyền đánh bắt chỉ được trên dưới 20 tấn hải sản các loại… nhưng từ khi lắp đặt máy dò ngang, chuyện đạt 40 – 50 tấn cá mỗi phiên biển là chuyện thường gặp. Với hiệu quả mang lại từ máy dò ngang rất lớn, nhiều chủ tàu ở Lý Sơn mạnh dạn đầu tư mua máy dò ngang lắp đặt cho tàu của mình.
Ngư dân hết "mò mẫm"
Theo nhiều ngư dân sử dụng máy dò ngang cho biết, tính năng nổi bật của máy dò ngang là không báo nhầm, giúp xác định luồng cá chính xác. Vì thế giảm phí tổn mỗi chuyến ra khơi khi phải "mò mẫm" như trước đây. Để tạo hiệu quả cao, các ngư dân kết hợp giữa phương thức đánh truyền thống với các phương tiện hỗ trợ. Trường hợp các điểm báo nhỏ lẻ, phân tán, ngư dân chong đèn để dụ cá về một điểm và thả lưới vây "hốt gọn". Chủ tàu Nguyễn Gia Viên cho hay: Trước đây chỉ có máy dò đứng (từ thuyền xuống đáy) nên phạm vi phát hiện cá nhỏ, độ báo không chuẩn kéo theo năng suất giảm.
Không chỉ có máy dò ngang, các ngư dân Lý Sơn tự tìm tòi đến những thiết bị hỗ trợ hiện đại như máy đo nước (đo độ chảy của nước để phát hiện thời điểm di cư cao của cá)… Huyện Lý Sơn hiện có hơn 400 tàu thuyền khai thác ngoài bờ. Năm 2010 số tàu cá được hỗ trợ lắp máy dò ngang chỉ có 2 nhưng đến nay đã có trên dưới 10 ngư dân tự mua sắm, lắp đặt thiết bị hỗ trợ này. Nhờ đó năng suất, sản lượng khai thác tăng đột biến. Ông Phan Huy Hoàng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, dự án máy dò ngang triển khai từ năm 2007 nhưng đến năm 2010 thật sự ngư dân mới hưởng ứng. Lúc đó, toàn tỉnh có gần chục tàu thuyền được hỗ trợ 50% giá trị máy dò ngang, đến nay do thấy được cái lợi, hiệu quả cao của máy dò ngang nên ngư dân Lý Sơn, Bình Sơn, Tư Nghĩa… chủ động tự trang bị các phương tiện này.
Sở NN&PTNT cho biết, sản lượng khai thác thủy sản trong 5 tháng đầu năm toàn tỉnh đạt gần 43.600 tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay thời tiết thuận lợi, ngư dân liên tiếp được mùa, hải sản được giá cùng với năng lực đánh bắt của các đội tàu trong tỉnh ngày một nâng lên là những yếu tố chính làm cho sản lượng khai thác thuỷ sản của tỉnh trong những tháng đầu năm đạt khá cao.
X.Thiên
Theo Báo Quảng Ngãi