Trong những năm gần đây, nhiều vụ cháy nổ tàu, thuyền trên biển lẫn neo đậu trong bờ là hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên tàu thuyền. Dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản khiến nhiều ngư dân trắng tay, nợ nần chồng chất.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Tại nạn cháy nổ tàu thuyền trên biển thường gây ra những thiệt hại rất thảm khốc. Ngoài thiệt hại về con người và tài sản, có thể làm hủy hoại môi trường biển, ảnh hưởng đến nguồn sống của ngư dân.
Tuy vậy, mỗi tàu thuyền hoạt động trên biển đều tiểm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ: như bình gas, thiết bị điện, vận chuyển những mặt hàng dễ cháy như xăng, dầu, khí gas… Đối với các tàu thuyền vỏ gỗ có chứa nhiều thiết bị, đồ dùng như bình gas, dầu chạy máy, ngư lưới cụ, bình ắc quy, dây dẫn điện đấu nối chằng chịt… được sắp xếp, bố trí trong một khoang tàu nhỏ, nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Thế nhưng, công tác phòng chống cháy nổ trên các tàu thuyền chưa thực sự được các thuyền trưởng và thuyền viên quan tâm.
Những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn cháy nổ tàu thuyền trên biển: do sơ suất, bất cẩn trong quá trình vận hành, gây chập điện; các dây dẫn đã quá cũ, quá tải hoặc bong tróc; nhiễm muối biển mặn và hơi biển mặn làm ôxy hóa các thiết bị, dây dẫn không được kiểm tra, thay thế dẫn đến cháy nổ. Trong quá trình đánh bắt, thuyền viên và thợ máy thường sử dụng bếp gas để nấu ăn, hàn xì, rỏ rỉ ống dẫn gas bất cẩn trong sử dụng cũng là nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến những tại nạn thảm khốc trên biển.
Thời gian qua, đã có nhiều tàu, thuyền bị cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng; mới đây nhất là ngày 1/1/2018, khi đang neo đậu tại cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi chờ ngày ra khơi, tàu cá QNg 95409 TS, công suất 720 CV của ngư dân Nguyễn Thùy bất ngờ bốc cháy. Tuy nhiên, do gió mạnh và trên tàu có nhiều ngư lưới cụ và 10.000 lít dầu, công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả vật dụng trên tàu bị thiêu rụi. Thiệt hại ước tính gần 3 tỷ đồng.
Đảm bảo an toàn
Để hạn chế những thiệt hại của sự cố cháy, nổ gây ra, cần phải trang bị đầy đủ các thiết bị như bơm chữa cháy; đầu phun, vòi rồng, họng chữa cháy; bình chữa cháy xách tay; các thiết bị chữa cháy trong buồng máy; sơ đồ kiểm soát cháy; thiết bị thở thoát nạn sự cố; trang bị cần thiết cho người chữa cháy; hệ thống phát hiện và báo cháy cố định. Các chủ tàu cần quan tâm đầu tư kinh phí để lắp đặt hệ thống điện, các vật liệu chống cháy, sơn phủ cách nhiệt tại các vị trí có nguy cơ cháy cao, thường xuyên luyện tập xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra. Ngoài ra, việc trang bị và sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc chống cháy nổ cũng là giải pháp hết sức cần thiết để kết nối, liên lạc giữa tàu với tàu, tàu với lực lượng chức năng nhằm ứng cứu kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) quy định, trong năm 2018 tất cả các tàu thuyền đi biển đều phải trang bị máy bộ đàm cầm tay loại chống cháy nổ để liên lạc với nhau khi tàu có sự cố xảy ra. Đối với tàu cá, các tàu vỏ sắt có kích thước lớn (chiều dài > 20 m, công suất > 100 CV) do buồng máy cách biệt với phòng lái và các phòng khác trên tàu nên cần phải trang bị 2 máy bộ đàm cầm tay loại chống cháy nổ để 1 máy tại hầm máy và 1 máy bộ đàm tại buồng lái dùng liên lạc khi có sự cố; nhằm giữ thông tin liên lạc, hạn chế thấp nhất những thiệt hại của các vụ cháy nổ tàu, thuyền khi hoạt động trên biển.