Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và Phát động khởi nghiệp, chiều ngày 18/6, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ cao phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng – Thực trạng và Giải pháp. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam dự và chủ trì.
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương và các địa phương tham dự
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua chỉ mới dừng lại ở những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, quy mô còn hạn chế, công nghệ chưa đồng bộ. Riêng lĩnh vực thủy sản vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh hiện mới có mô hình tự động quản lý môi trường nước trong ao tôm, ứng dụng chế phẩm sinh học, quy trình tuần hoàn tái sử dụng nước để giảm sức tải môi trường, nuôi tôm 2 giai đoạn có lót bạt và khu sản xuất giống thủy sản an toàn khép kín đạt chuẩn GMB của Công ty Việt Úc, quy mô 5 tỷ con giống/năm.
Đóng góp cho việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản, TS. Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, mấu chốt là ở khâu tổ chức sản xuất của Sóc Trăng còn hạn chế. TS. Luân dẫn chứng: “Các tổ chức hợp tác trong nuôi tôm ở Sóc Trăng chưa nhiều, hiệu quả hoạt động chưa cao nên rất khó tạo liên kết với doanh nghiệp và đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Do đó, Sóc Trăng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tổ chức sản xuất, bởi nếu không, sẽ rất khó ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và kết nối cung – cầu thông qua liên kết chuỗi giá trị ngành tôm”.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu kết luận hội thảo
Đánh giá cao các ý kiến tham luận, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Sóc Trăng có rất nhiều mô hình đạt chứng nhận trong nước và quốc tế, nên vấn đề sắp tới là làm sao nhân rộng được các mô hình này và khuyến khích việc xây dựng các mô hình doanh nghiệp liên kết với HTX, trang trại để mở rộng diện tích sản xuất và thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Công nghệ cao không phải lúc nào cũng là nhà kính, nhà lưới mà vấn đề chính là chọn lựa khoa học công nghệ nào phù hợp nhất để có thể nâng cao được năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và có thích ứng được với biến đổi khí hậu”.