Hiện nay, trên thế giới có hai hệ thống nuôi trồng thủy sản bền vững là hệ thống dùng vi sinh vật có lợi để xử lý nước (công nghệ vi sinh, biofloc) và hệ thống tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System – RAS). FAO và EUROFISH khuyến cáo áp dụng hệ thống RAS.
Hệ thống RAS
Đặc điểm và sự phát triển
Hệ thống RAS có đặc điểm: Nước được xử lý để loại bỏ các chất do thủy sản nuôi thải ra, đồng thời cấp thêm ôxy cho chúng. Một hệ thống tuần hoàn thông thường hoạt động như sau: nước lợ từ đầu ra của bể nuôi được đi qua các bộ lọc cơ học, sinh học, cấp thêm ôxy, sau đó quay về bể nuôi. Bể có đường kính phổ biến từ 4 – 13 m.
Đặc biệt trong nuôi tôm, đây là giải pháp phát triển bền vững do mật độ cao và rất cao. Nuôi tôm là nuôi nước, RAS không xả chất thải và nước thải chưa xử lý ra môi trường. Nước từ ao nuôi được xử lý để tái sử dụng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài vốn ngày càng biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Hiện nay, các hệ thống RAS cung cấp 6% tổng sản lượng thủy sản ở Trung Quốc và 12% ở Mỹ, châu Âu. Dự kiến trên thế giới, năm 2030 nuôi trồng thủy sản đáp ứng 62% nhu cầu và 40% sẽ được cung cấp từ các hệ thống RAS tiên tiến. Đối với Việt Nam, việc ứng dụng RAS không thể chậm trễ hơn. Kiểm soát nước để kiểm soát dịch bệnh, nhằm tăng tỷ lệ nuôi tôm thành công từ 30% lên70%.
Thế giới nói về RAS
Bộ môn Nuôi trồng thủy sản, Đại học Công nghệ Virginia, Mỹ: “RAS là một cách nuôi trồng thủy sản mới và độc đáo. Thay vì nuôi thủy sản theo phương pháp truyền thống trong ao mở ngoài trời, hệ thống này nuôi thủy sản với mật độ cao, trong các bể (bồn, hồ) trong nhà với một môi trường được kiểm soát. Hệ thống tuần hoàn lọc và làm sạch nước để đưa về các bể nuôi”.
Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Stirling, Anh Quốc: “Các quốc gia châu Âu đã thúc đẩy RAS như là một trong các giải pháp khả thi và cơ hội để phát triển nuôi trồng thủy sản. RAS được khuyến khích trong các văn kiện về chiến lược của Cộng đồng châu Âu. Nhiều quốc gia ở đây đang chuyển sang RAS nhằm đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản. Công nghệ RAS cần đảm bảo kiểm soát các thông số chất lượng nước và tối ưu hóa các điều kiện nuôi trồng với chi phí môi trường thấp nhất”.
Viện Nghiên cứu Máy và Dụng cụ thủy sản, Viện Hàn lâm Khoa học thủy sản, Trung Quốc: RAS được phát triển nhằm đáp ứng các quy định về môi trường ngày càng nghiêm khắc hơn ở các nước với nguồn đất và nước bị hạn chế. RAS có nhiều ưu điểm về mặt giảm tiêu thụ nước, cải thiện khả năng quản lý chất thải và tái sử dụng các chất dinh dưỡng, quản lý vệ sinh, dịch bệnh và kiểm soát ô nhiễm môi trường sinh học tốt hơn.
Trung tâm Nghiên cứu quản lý bờ biển tại Thụy Điển: “RAS cho các bể nuôi thủy sản, trong đó nước cùng với chất thải được xử lý cơ học và sinh học, rồi được đưa về lại bể nuôi đã trở thành giải pháp chính cho nuôi trồng thủy sản bền vững về mặt sinh thái quy mô lớn. RAS đặc biệt phù hợp ở những khu vực mà nguồn nước và tác động của chất thải ra môi trường xung quanh bị hạn chế”.