T2, 06/07/2020 10:02

Mô hình tổ, đội sản xuất trên biển: Liên kết cho hiệu quả cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện, tàu cá liên kết với nhau thành các tổ, đội khai thác thủy sản trên biển nhằm hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cứu nạn… được xem là mô hình thiết thực đem lại hiệu quả cao, được nhiều địa phương áp dụng.

Hiệu quả lớn

Theo Tổng cục Thủy sản, tỉnh Bình Thuận hiện có trên 600 tổ đội hợp tác sản xuất trên biển, tập hợp trên 5.000 tàu, thuyền, chủ yếu là các tàu đánh bắt xa bờ với trên 20.000 ngư dân tham gia. Tiền Giang có 8 tổ hợp tác khai thác hải sản với 42 phương tiện và 225 lao động tham gia; 53 tổ hợp tác khai thác hải sản hình thành tự phát theo kiểu thỏa thuận miệng với 450 phương tiện và 4.114 lao động…

Sự liên kết này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn cho ngư dân khi ra khơi mà còn góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trên các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.


Mô hình tổ đội sản xuất trên biển đang được nhân rộng tại nhiều địa phương – Ảnh: Huy Hùng

Các tổ đội rất linh hoạt trong hợp tác tìm kiếm ngư trường, khôi phục sản xuất khi bị tai nạn, thất thu. Một số tổ đội làm nhiệm vụ hậu cần vận chuyển sản phẩm vào bờ và các nhu yếu phẩm như dầu, đá lạnh… từ bờ ra, giúp tăng thời gian bám biển, giảm chi phí.

Theo Tổng cục Thủy sản, các tàu cá tham gia tổ, đội khai thác hải sản đã khai thác hiệu quả hơn, sản lượng khai thác tăng, có tàu tăng sản lượng gấp rưỡi so với trước.

 

Cần khắc phục hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thành lập tổ, đội khai thác thủy sản trên biển vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là về vốn. Một số tổ đội không có vốn đầu tư nên không có điều kiện sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền, đầu tư nghề mới, mua sắm trang thiết bị cũng như mạnh dạn ra khơi tìm kiếm ngư trường mới… ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Việc vay vốn ưu đãi để tái sản xuất hoặc phát triển sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Các thành viên của tàu cá trong tổ hợp tác không ổn định mà thay đổi nhiều lần trong năm, hoạt động chưa đúng theo quy ước, cam kết chung. Hậu cần cho các tổ, đội sản xuất trên biển chưa tổ chức được hoặc chưa hoạt động hiệu quả. Nhiều tổ, đội chưa liên kết với nhau để ký kết hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy sản để tránh bị chủ nậu, chủ vựa ép giá…

Để giải quyết những khó khăn này, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ đoàn kết thực hiện theo quy ước của tổ và có xác nhận của địa phương. Đồng thời, vận động những tàu cá khai thác xa bờ chưa tham gia tổ đoàn kết thành lập tổ, đội để hỗ trợ nhau trên biển.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành quy định hướng dẫn thành lập tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển và các chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham gia tổ, nhất là chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất. Có như vậy, ngư dân mới mạnh dạn đầu tư và an tâm bám biển.

“>>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Mô hình tổ, đội sản xuất trên biển giúp ngư dân tiết kiệm nhiều chi phí. Mặt khác, khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong tìm kiếm ngư trường khai thác, hỗ trợ nhau về vốn sản xuất và ứng phó với thiên tai trên biển…

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!