THỨ BA, ngày 21/1/2025

Nuôi lươn trong can nhựa kiếm bộn tiền

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nuôi lươn trong can nhựa 30 lít của nông dân Lê Văn Cao (1980), ngụ thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước cho thu nhập cao. Lươn được 15 ngày tuổi anh Cao cho ăn cám trộn trứng vịt, mỗi ngày ăn 1 lần, sau đó xay nhuyễn ốc bươu vàng trộn cám cho lươn ăn…

Anh Lê Văn Cao đang kiểm tra lươn giống trong bể lót bạt.

Mô hình nuôi lươn trong can nhựa 30 lít của anh Lê Văn Cao có xuất xứ từ miền Tây. Anh Cao cho biết, qua tìm hiểu qua mạng xã hội facebook, anh biết mô hình nuôi lươn trong can nhựa của nông dân tỉnh Hậu Giang cho thu nhập cao nên đã làm theo. Nuôi lươn trong can nhựa ít tốn thời gian, công lao động, chi phí thấp và không tốn diện tích nuôi.

Chia sẻ cách nuôi lươn trong can nhựa, anh Cao cho biết, nên cọn giống lươn phải khỏe, tốt nhất là giống lươn bắt từ tự nhiên. Chỗ dùng để nuôi lươn giống khoảng 2m2 được thưng bạt hoặc xây ốp gạch men. Chiều cao bể nuôi lươn khoảng 80cm, rộng 1m, dài 2m.

Sau khi lươn mẹ đẻ thì người nuôi vớt trứng qua bể khác để chăm sóc nở thành con. Lươn được 15 ngày tuổi anh Cao cho ăn cám trộn trứng vịt, mỗi ngày ăn 1 lần, sau đó xay nhuyễn ốc bươu vàng trộn cám cho lươn ăn.

20 ngày sau đưa lươn ra nuôi thương phẩm, không gian nuôi 1.000 con phải bằng bể bạt ni-lon hoặc bể ốp gạch. Diện tích mỗi bể từ 6-8m2 cho 1.000 con lươn, nước sâu từ 25-30cm, có ống thoát nước để thay nước hằng ngày, tránh lươn chết.

Anh Cao cho biết thêm về kỹ thuật nuôi lươn trong can nhựa, lươn được 45 ngày tuổi cho vào can nhựa loại 30 lít có khoan lỗ nhỏ để thoát nước và thông thoáng. Trong can nhựa chia đôi chiều cao và cắm ngang 6 thanh gỗ bằng ngón tay. Trong mỗi can treo một túi vải có nhiều lỗ đựng thức ăn cho lươn từ ốc bươu vàng xay nhỏ trộn cám và men tiêu hóa. Ngày cho lươn ăn 1 lần vào sáng sớm hay buổi tối.

Can nhựa nuôi lươn bỏ dưới ao có gắn phao, treo can 2 phần dưới nước, 1 phần ở trên cho lươn thở. Khi trời nắng nóng phải giăng lưới làm mát và thả lục bình để làm sạch môi trường nước. Lưu ý, người nuôi phải theo dõi lươn thường xuyên để phòng trị bệnh cho lươn kịp thời.

Duy Hiển

Báo Bình Phước

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!