(Thủy sản Việt Nam) – Hoạt động khai thác thủy sản trên biển trong mùa mưa bão luôn chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng và tài sản của ngư dân. Vì vậy, tăng cường công tác quản lý tàu cá đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trong mùa mưa bão là vấn đề cấp thiết.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 25/6/2012, tổng số tàu cá của cả nước là khoảng 126.116 chiếc. Trong đó, tàu cá lắp máy có công suất dưới 20 CV là 61.762 chiếc, chiếm 48,9%; tàu cá có công suất trên 90 CV là 25.268 chiếc, chiếm 20,03%.
Tuy nhiên, nhiều tàu cá trong số này đã cũ, máy móc, thiết bị lạc hậu, hệ thống thông tin liên lạc, định vị… không đầy đủ, nên khả năng chịu đựng sự tác động của gió bão rất kém, dễ xảy ra tai nạn khi hoạt động đánh bắt trong mùa mưa bão. Ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng hệ thống thông tin liên lạc giữa bờ và tàu cá trên biển chưa đồng bộ, chưa có chế độ thông tin bắt buộc, nên việc nắm thông tin về tàu thuyền trên biển khi bão hoàn toàn lệ thuộc vào ý thức của ngư dân. Do đó khi có bão, áp thấp, các cơ quan quản lý rất khó để nắm bắt được số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Ngoài ra, sự hạn chế về trình độ sử dụng các trang thiết bị và chủ quan trong nhận thức của ngư dân khi ra khơi cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng an toàn của tàu cá. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, các bến bãi neo đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão của nước ta còn thiếu và chưa được đầu tư đúng mức; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với ngư dân trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn chưa thực sự hiệu quả.
An toàn cho người và tàu cá trong hoạt động khai thác luôn cấp thiết – Ảnh: Hải Đăng
Trong khi đó, tình hình thời tiết luôn diễn biến thất thường. Tính đến ngày 25/6/2012 đã xuất hiện 2 đợt áp thấp nhiệt đới, và 3 cơn bão trên Biển Đông. Cả nước có 59 vụ tai nạn với tổng số 409 lao động có mặt trên các tàu, làm 5 người chết, 13 người mất tích và 28 người bị thương, mặc dù số tai nạn tàu cá đã giảm 13 vụ/77 lao động so với cùng kỳ 2011.
Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá
Để hạn chế những thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão, các ngành chức năng cần quan tâm tới công tác quản lý tàu thuyền trên biển trong mùa mưa bão; thực hiện nghiêm túc quy trình đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định; tăng cường năng lực thông tin cảnh báo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra.
Các ban ngành liên quan cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai cho ngư dân; xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị đối phó phù hợp với thực tế, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của ngư dân. Đồng thời, tổ chức đào tạo, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng và cấp giấy phép khai thác hải sản cho ngư dân. Bên cạnh đó, hướng dẫn ngư dân trang bị các thiết bị an toàn như ra đa hàng hải, máy đàm thoại và các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn… trước khi ra khơi đánh bắt; hướng dẫn ngư dân lập các tổ, đội đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đánh bắt cũng như ứng phó với thiên tai…
Tại các địa điểm neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cần tổ chức tốt việc nạo vét luồng lạch, bến bãi, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào tránh, trú bão an toàn. Đồng thời, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động tàu thuyền khai thác hải sản trên biển để chủ động thông tin liên lạc khi xảy ra thiên tai mưa bão, hoặc gặp sự cố rủi ro.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của ngư dân đi biển, cần tự bảo vệ mình và cùng cộng đồng phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.
>> Hiện, các địa phương trên cả nước được hỗ trợ 641 máy thông tin liên lạc trên tàu cá và đã có 9/19 tỉnh thành lắp đặt đài bờ, 1.022 tàu cá đã được lắp máy thông tin VX-1700.