Để tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản vùng biển xa bờ, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng và thực hiện quy hoạch cơ cấu nghề phù hợp với nguồn lợi vùng biển xa bờ; phân bổ tàu cá khai thác trên từng vùng biển cho các địa phương trên cơ sở hài hòa lợi ích…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần đi trước một bước là công tác xây dựng hậu cần và xây dựng nghề cá nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác trên vùng biển xa, gắn phát triển kinh tế biển đảo với chủ quyền an ninh quốc gia.
Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) – Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện cả nước có 91 cảng cá, bến cá đã và đang được đầu tư, trong đó có 18 cảng cá thuộc tuyến đảo và 73 cảng cá, bến cá thuộc tuyến bờ, cửa sông. Trong số này có 66 cảng cá đã được đưa vào hoạt động. Ngoài ra 21 dự án xây dựng cảng cá đang tiếp tục được hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng và 19 dự án đã xong thủ tục đầu tư.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Khai thác – Cục KT&BVNLTS nhận định: Mặc dù đã có quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhưng việc đầu tư cho cảng cá, bến cá vẫn còn èo uột, hạn chế.
“Các điểm tập kết sản phẩm thủy sản khai thác ở các bãi ngang và làng cá tập trung ở nhiều tỉnh chưa được quy hoạch, thể hiện sự manh mún, phân tán, thiếu tính tập trung kéo theo hệ quả là việc tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường chưa được quan tâm chú ý đúng mức”, ông Hùng bổ sung thêm.
Về cơ sở đóng, sửa tàu cá, hiện trên cả nước có 702 cơ sở đóng sửa tàu cá với khả năng đóng mới 4000 chiếc/năm và sửa 8000 chiếc/năm. Tuy nhiên các cơ sở đóng, sửa tàu cá ở các địa phương cũng trong tình trạng quy hoạch manh mún, chưa phân công, phân cấp quản lý; quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu và thiếu, chủ yếu đóng tàu nhỏ vỏ gỗ theo kinh nghiệm dân gian. Số tàu cá có công suất nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, đóng theo kinh nghiệm dân gian nên trang thiết bị an toàn trên tàu còn thiếu về số lượng và chất lượng. Nhiều tàu cá hoạt động khai thác vượt quá tiêu chuẩn chi phép dẫn đến nhiều tai nạn tàu cá xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là do hỏng máy, vỡ, nứt vỏ tàu. Trong năm 2011, số vụ mà Cục KT&BVNLTS thống kê được lên đến 560 vụ.
Theo ông Hùng “Trước những thực trạng này, Cục KT&BVNLTS đã tiến hành điều tra và đang xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đóng sửa tàu cá, trước mắt là thí điểm đóng tàu cá gắn với xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất khai thác xa bờ ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa…”.
Mặt khác, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của ngành khai thác thủy sản, các hộ tư nhân là chủ tàu thuyền làm nghề khai thác và kết hợp làm dịch vụ hậu cần nghề cá đã tăng lên đáng kể, trong đó nhanh nhất vẫn là các tỉnh miền Trung và vùng Đông Nam bộ với mức tăng bình quân trong 5 năm trở lại đây khoảng 4,5%/năm. Hiện hộ tư nhân sở hữu 99% số lượng tàu thuyền trên cả nước, chiếm 95% về sản lượng và do nhanh nhạy nắm bắt cơ hội trong kinh tế thị trường, nhiều ngư dân đã nhanh chóng chuyển từ khai thác gần bờ ra xa bờ và sử dụng có hiệu quả sản phẩm khai thác. Tuy nhiên do hạn chế về nguồn vốn nên việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ gặp rất nhiều khó khăn, hiểu biết ít về pháp luật, thiếu kiến thức cạnh tranh trong kinh doanh nên ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão theo Quyết định số 346/QĐ – TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quyết định số 1349/QĐ – TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cục KT&BVNLTS cho biết sẽ tập trung đầu tư xây dựng các chợ thủy sản đầu mối gắn với cảng cá; xây dựng 5 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cấp vùng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang và các trung tâm hậu cần nghề cá tại các đảo trọng điểm như: Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Phú Quý, Trường Sa, Phú Quốc và Thổ Chu