Tiêu chuẩn thủy sản: Đổi thay cùng xu thế

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm qua, ngành thủy sản Việt Nam mở rộng thêm thị trường toàn cầu, sản phẩm xuất khẩu áp dụng nhiều hệ thống chứng nhận theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, tiêu chuẩn thủy sản chưa dừng lại mà vẫn xu hướng phát triển theo những đòi hỏi ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.


Tôm sinh thái được người tiêu dùng đánh giá cao Ảnh: Phan Thanh Cường

Những tiêu chuẩn quen thuộc

Hiện có khoảng 12 hệ thống chứng nhận trong nuôi thủy sản được áp dụng tại Việt Nam, chủ yếu ở trại nuôi lớn. Các hệ thống chứng nhận cơ bản giống nhau 60 – 70% và do những ưu tiên riêng của từng hệ thống mà có thêm điểm khác biệt.

Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP, áp dụng cho tất cả các loài nuôi thủy sản, ở nước ta đang áp dụng nhiều cho tôm và cá tra, nuôi đơn lẻ hoặc nhóm. Bộ tiêu chuẩn này đánh giá dựa trên các tiêu chí về: Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường/sức khỏe và an sinh thủy sản, trách nhiệm xã hội, an toàn cho người lao động.

Bộ tiêu chuẩn ASC đang áp dụng cho cá tra, rô phi và tôm, xây dựng trên 7 nguyên tắc cơ bản. Đó là: hợp pháp, đa dạng sinh học, nước và đất, đa dạng loài, thức ăn và nguồn lực, sức khỏe động vật, trách nhiệm xã hội.

Bộ tiêu chuẩn FOS áp dụng cho tất cả các loài thủy sản nuôi, ở nước ta cũng đang áp dụng nhiều cho tôm và cá tra. Tiêu chuẩn FOS đánh giá dựa trên các tiêu chí: Môi trường (tác động đến môi trường sống, nước thải, hệ thống thoát nước, chất thải), không sử dụng chất biến đổi gen (GMO) và hormone tăng trưởng, trách nhiệm xã hội.

Tiêu chuẩn BAP/ACC, từ tháng 8/2010 được áp dụng cho cá tra để tạo tiền đề tiêu chuẩn hóa sản phẩm bán vào thị trường Mỹ. Tiêu chuẩn BAP xác định 4 tiêu chí quan trọng: an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, truy nguyên nguồn gốc.

Bộ tiêu chuẩn VietGAP áp dụng cho nuôi thủy sản, xây dựng trên 4 nguyên tắc chính: chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Vì vậy VietGAP có thể phù hợp với Bộ quy tắc Ứng xử trong Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (CoC) của FAO và các tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng phổ biến như GlobalGAP, BAP/AC, ASC.

Đặc điểm chung của các tiêu chuẩn là tập trung vào đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Chứng nhận hữu cơ/sinh thái

Gần đây, ra đời các tiêu chuẩn hữu cơ/sinh thái. Các tiêu chuẩn này có yêu cầu cơ bản: Tuân thủ pháp luật và quy định địa phương, trang trại không ảnh hưởng tới các hệ sinh thái lân cận, bảo tồn đa dạng sinh học/môi trường tự nhiên/động vật hoang dã. Trong sản xuất phải có biện pháp tách biệt (vùng đệm) giữa khu sản xuất hữu cơ/sinh thái và sản xuất thông thường. Nghiêm cấm sử dụng hóa chất, chỉ được sử dụng thức ăn hữu cơ và thức ăn tự nhiên.

Phòng trừ dịch bệnh không được sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng các biện pháp chữa trị tự nhiên. Không sử dụng giống biến đổi gen. Chế biến chỉ sử dụng biện pháp cơ giới và vật lý. Phải có nhật ký ghi chép quá trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm chỉ được dán nhán sinh thái/hữu cơ khi tổng thành phần hữu cơ chiếm 95 – 100%.

Cụ thể như tiêu chuẩn Naturland do Hiệp hội Naturland Đức đưa ra cho thủy sản tiêu thụ ở thị trường Đức và EU. Một số yêu cầu đáng chú ý: thủy sản nuôi dưới tán rừng phải trồng lại 50% rừng trong thời gian tối đa là 5 năm; 50% diện tích đê bao phải phủ thực vật. Nuôi mật độ tối đa 15 con/m2 (với sản lượng tối đa 1.600 kg/ha). Không cho phép các hoạt động làm tổn hại tới rừng ngập mặn. Thời gian chuyển đổi tối thiểu là một chu kỳ sản xuất, bắt buộc toàn bộ trang trại.

Tiêu chuẩn hữu cơ EU do EU đưa ra cho các sản phẩm tiêu thụ trong khối EU. Giới hạn khắt khe về việc sử dụng chất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến và các chất khác trong nông nghiệp hữu cơ. Thời gian chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang hữu cơ cần ít nhất 2 năm.

Tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ – USDANOP, ra đời bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (NOP) cho sản phẩm tiêu thụ ở thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada. Không cho phép sử dụng chất bảo quản tổng hợp và hầu hết các thành phần hóa học khi chế biến. Thời gian chuyển đổi từ sản xuất thông thường qua hữu cơ ít nhất là 3 năm.

Tiêu chuẩn SELVA cho sản phẩm tiêu thụ ở thị trường Thụy Sỹ, EU; yêu cầu không được bắt giống ngoài tự nhiên chủ động nhưng được phép đưa con giống tự nhiên vào ao bị động. Tỷ lệ rừng phải đạt ít nhất 40%, mật độ thả phải ít hơn 10 con/m2. Cũng dành cho thị trường Thụy Sỹ, EU còn có tiêu chuẩn BIOSUISSE, yêu cầu dành ít nhất 7% diện tích cho phục hồi sinh thái/đa dạng sinh học. Cá/tôm phải xử lý ngay sau khi thu hoạch, không được làm tôm chết ngạt.

Tiêu chuẩn SEASAIP – Quy trình cải tiến nuôi tôm Đông Nam Á (SEASAIP) với phương pháp tiếp cận dựa trên thực tế của Đông Nam Á kết hợp với yêu cầu về tính bền vững qua các tiêu chí khác. Phương pháp tiếp cận này nhằm cung cấp lộ trình hấp dẫn hơn cho người nuôi tôm cải tiến hoạt động nuôi trồng trong toàn khu vực.

Xu hướng phát triển

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho rằng, xu hướng chung phát triển các tiêu chuẩn thủy sản là “truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi”. Đối với lĩnh vực thủy sản, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Tất cả các nước tham gia xuất khẩu thủy sản phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc. Kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi được thực hiện chặt chẽ tại các quốc gia và các thị trường tiêu thụ lớn. Đây trở thành yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu. Theo đó các yêu cầu kiểm tra kháng sinh, dư lượng kim loại nặng và mầm bệnh cũng được kiểm soát chặt chẽ ở các nước nhập khẩu thủy sản.

Chẳng hạn tiêu chuẩn ASC, ông Lập nhấn mạnh “bắt buộc phải thực hiện truy xuất nguồn gốc”. Gồm truy xuất nguồn gốc con giống đến bố mẹ, truy xuất nguồn gốc thức ăn và phải nằm trong nguồn thức ăn bền vững được công nhận. Việc áp dụng chứng nhận ASC cho vùng nuôi và cả nhà máy chế biến để đánh giá hệ thống cho sản phẩm đến khâu cuối cùng ra thị trường.

Tóm lại, các chứng nhận chất lượng hướng đến tính bền vững được ưa chuộng và đẩy mạnh. Tập trung vào các khía cạnh: An toàn thực phẩm, an toàn môi trường, trách nhiệm xã hội gắn liền với người sản xuất quy mô nhỏ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

“Áp dụng theo chuỗi, tăng cường sự tham gia của người sản xuất quy mô nhỏ được ưu tiên. Theo một phân tích mới đây của FAO về xu thế phát triển bền vững gắn với các sản phẩm thủy sản đã chỉ ra rằng để giảm thiểu các tác động xấu về mặt môi trường, xã hội, nguồn lợi… thì gắn kết sản xuất theo chuỗi là một xu thế tất yếu”, ông Lập nói.

>> Thời gian qua, Việt Nam cơ bản phổ biến tiêu chuẩn VietGAP đến người nuôi thủy sản, nhiều trang trại đã đạt được VietGAP và xuất sản phẩm đi các thị trường trong và ngoài nước. Đây là một bước đệm quan trọng trong việc nâng cao năng lực của người nuôi, áp dụng và tiếp cận thị trường quốc tế theo hướng chứng nhận tiêu chuẩn chung.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!