(Thủy sản Việt Nam) – Bảo vệ ngư dân bám biển làm ăn để thể hiện trong thực tế, quyền làm chủ vùng biển Tổ quốc, đang đặt ra nghiêm túc. Đó là việc lớn, nhưng trước hết phải từ bờ. Ngư dân yên tâm bám biển khi có gia đình hạnh phúc chờ đón ở trong bờ; con tàu đánh bắt sẽ vượt qua mọi sóng gió khi trong bờ có cơ sở dịch vụ hậu cần đầy đủ.
Những điều đã mong muốn từ lâu mà nay vẫn chưa đạt được!
Trưởng ban quản lý Cảng cá Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) Phạm Văn Minh cho biết: “Cảng có diện tích 1,4 ha, chỉ cho phép 6 tàu cập cảng cùng lúc. Trong khi lượng tàu khai thác biển ra vào cửa biển Gành Hào hơn 600 chiếc, còn tàu đánh bắt vùng ven biển Bạc Liêu có nhu cầu vào Cảng cá Gành Hào đến 1.200 chiếc”. Tỉnh Cà Mau có đoàn tàu khai thác biển hơn 3.000 chiếc, trong đó hơn 1.000 chiếc khai thác xa bờ. Nhưng Cảng cá Sông Đốc, cảng cá duy nhất ở Cà Mau, chỉ có một cầu cảng dài 100m, cho phép một lần 4 tàu cập cảng.
Cảng không đủ chỗ nên tàu đánh cá về “gặp đâu đậu đó”, bán hải sản khó khăn và các dịch vụ hậu cần nghề cá thì thiếu thốn. Cảng cá Trần Đề ở tỉnh Sóc Trăng, gần ngư trường Biển Đông nhất của vùng ĐBSCL, phục vụ hơn 1.100 tàu đánh cá, nhưng hải sản đánh bắt về khi đưa lên bờ chủ yếu đổ xuống nền xi măng cầu cảng.
Cơ sở hậu cần nghề cá yếu kém làm cho giá thành hải sản tăng cao, trong lúc giá bán lại bấp bênh, dẫn đến ngư dân nhiều chuyến ra khơi bị lỗ. Ông Nguyễn Tấn Biểu ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, có 17 chiếc tàu đánh cá, nói: ba chuyến liên tiếp giữa năm 2012, bán tôm cá không đủ chi phí, lỗ gần 1,5 tỷ đồng.
Vấn đề lớn hơn còn là đảm bảo thị trường hải sản hoạt động lành mạnh, để nghề cá phát triển cho ngư dân sống được với nghề, có cuộc sống ngày càng khá giả. Nên không thể không lo lắng, khi gần đây thương lái Trung Quốc dùng chiêu “lật kèo” giá cả, hòng làm phá sản nghề câu mực ở Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân miền Trung.
Tàu câu mực thường có đông ngư phủ, một chuyến ra biển Hoàng Sa, Trường Sa có khi kéo dài 3 tháng. Sự có mặt thường xuyên của ngư dân trên biển là sự khẳng định mạnh mẽ nhất chủ quyền quốc gia. Nhưng ông Hồ Văn Tình, chủ tàu ĐNa 90051 (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), cho biết, sau nhiều chuyến đem mực về bờ, bị thương lái Trung Quốc ép giá, thậm chí không mua, nên ông đang “quyết định gỡ dàn”. Thống kê chưa đầy đủ, đội tàu câu mực nằm bờ dài ngày ở Đà Nẵng, có 4 chiếc rao bán, chuyển nghề khác. Đội tàu câu mực Đà Nẵng và miền Trung hùng mạnh một thời, có nguy cơ tan rã?
Ngư dân cần được bảo vệ khi ra khơi, tiếng nói đã vang lên thống thiết ở nhiều diễn đàn. Song, như Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu cho biết, trước hết phải tổ chức đồng bộ cả hậu cần và dịch vụ nghề cá. “Còn rất nhiều việc phải làm”, ông Mưu quả quyết. Quả thế, và việc nào cũng cụ thể, cần bắt tay làm sau nhiều năm đã nói.