THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Ứng dụng công nghệ cao trong thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây công nghệ 4.0 đã được nghiên cứu, ứng dụng và thúc đẩy, tạo ra những giá trị rõ rệt cho ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tại Bình Thuận, ứng dụng công nghệ cao trong khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản đã đạt một số hiệu quả tích cực…


Thu hoạch tôm tại khu nhà kính của Tập đoàn Việt Úc.

Hiệu quả

Trước đây mỗi chuyến ra khơi, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Nguyễn Văn Hiếu (KP 3 – Phú Hài – TP.Phan Thiết) phải mang theo hàng trăm tấn đá xay để bảo quản hải sản, nhưng vì hầm bảo quản sơ sài nên giữ lạnh không lâu, khiến thời gian ra khơi của tàu anh Hiếu giới hạn. Còn nay, sau khi chiếc tàu có công suất 885 cv được vay vốn từ Nghị định 67 bắt đầu hạ thủy với thiết kế cực kỳ hiện đại, có hầm bảo quản bằng công nghệ PU (hầm chứa cách nhiệt bằng vật liệu xốp polyurethane), tàu của anh Hiếu có thể kéo dài thời gian ra khơi. Anh Hiếu cho biết: “Nước đá để trong hầm bảo quản thủ công, độ lạnh thất thoát nhiều. Còn hầm PU, độ lạnh đảm bảo, nên tàu đánh bắt dài ngày hoặc về trễ hơn dự kiến cũng không ảnh hưởng chất lượng hải sản. Khi ứng dụng hầm PU, tôi giảm lượng đá xay nên chi phí đã giảm đáng kể”.

Hiện nay, ngư dân trong tỉnh không chỉ đầu tư hầm bảo quản bằng công nghệ PU, mà còn áp dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới khác như máy dò ngang cho phép mở rộng phạm vi dò từ 300 đến hơn 1.000m, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực, radar hàng hải, hệ thống tời thủy lực để thu lưới, thu câu… nên đem lại hiệu quả kinh tế cho bà cho ngư dân đánh bắt xa khơi.

Ngoài ứng dụng công nghệ cao trong khai thác thủy sản, các loại giống nuôi cũng được tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới hiện đại để nâng cao chất lượng con giống. Nhiều cơ sở sản xuất tôm giống tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) đã và đang đi đầu trong cả nước ứng dụng công nghệ cao, hợp tác các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để chọn tạo tôm bố mẹ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) kháng bệnh để sản xuất tôm post chất lượng. Các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, không sử dụng kháng sinh để sản xuất con giống tốt có chất lượng như Công ty CP Thái Lan, Việt Úc, Nam Miền Trung, Thông Thuận…

Tuyên truyền và nhân rộng

Hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong khai thác và nuôi trồng thủy sản ở Bình Thuận được khởi động nhiều năm nay. Tuy vậy, ứng dụng công nghệ cao trong thủy sản chỉ thực sự nhân rộng và phát triển kể từ khi tỉnh tập trung thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 114 chiếc đóng mới theo Nghị định 67 (18 tàu cá vỏ thép, 8 tàu cá vỏ composite và 88 tàu cá vỏ gỗ) và 6 chiếc nâng cấp đã hoàn thành, đi vào hoạt động có hiệu quả. Hầu hết những tàu 67 trị giá hàng chục tỷ đồng đều được thiết kế với công nghệ bảo quản sản phẩm, trang thiết bị hàng hải hiện đại nhất, đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã góp phần giúp ngư dân trong tỉnh đánh thức tiềm năng, lợi thế biển. Tuy nhiên, nhiều khâu trong khai thác thủy sản hiện vẫn mang tính thủ công, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch cao từ 20 – 30%. Để đạt hiệu quả và tạo hiệu ứng mạnh trong ngư dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng công nghệ cao, gắn với triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt hải sản không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật biển, bảo đảm sự cân bằng tự nhiên để phát triển bền vững. Ngoài ra, về lâu dài tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn lao động biển, cảng biển ngư dân mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao giá trị đánh bắt trong mỗi chuyến ra khơi.

Hồng Trinh

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!