Chờ tin vui từ ngành tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỹ và Nhật Bản là hai nước nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam. Những ưu thế lớn về thuế suất trong trong thời gian tới đây của hai thị trường này đang mở ra triển vọng rất sáng của con tôm Việt trong năm 2019.


Năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 637,7 triệu USD

Ưu đãi 0% tại Nhật Bản

Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 25,6% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này. Trong nhiều năm nay, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 1 về cung cấp tôm cho Nhật Bản nhờ những lợi thế so với các nguồn cung khác trên thị trường Nhật Bản. Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/12/2008 và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009 đã giúp tạo điều kiện thuận lợi về thuế quan cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản.

Ngoài ra, khi CPTPP có hiệu lực cũng sẽ giúp cho con tôm Việt Nam gia tăng lợi thế tại thị trường này. Theo các cam kết của Nhật Bản tại CPTPP, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ… Còn lại, sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Hiện, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 639,4 triệu USD và có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tháng 2/2019, Nhật Bản là thị trường duy nhất trong số 7 thị trường nhập khẩu tôm chính tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam với mức tăng trưởng 14,7%. Trên thực tế, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đã có những dấu hiệu khả quan đầu năm nay khi CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản khi thuế nhập khẩu tất cả các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào Nhật Bản được đưa về 0%.

Cơ hội lớn tại Mỹ

Năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 637,7 triệu USD và phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh của Ấn Độ cùng thuế chống bán phá giá của thị trường này. Tuy nhiên, ngày 10/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) (từ 1/2/2017 đến 31/1/2018) với thuế suất 0% cho 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là Công ty CP Thực phẩm Sao Ta và Công ty Hải sản Nha Trang. Đối với gần 29 doanh nghiệp bị đơn tự nguyện còn lại, DOC cũng tạm tính thuế CBPG là 0% cho giai đoạn xem xét trên.

Mức thuế sơ bộ này là cơ sở tốt để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới. Nếu có kết quả tốt, việc xuất khẩu tôm sang Mỹ của doanh nghiệp Việt Nam sẽ thuận lợi hơn, tăng sức cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu tôm từ Ấn Độ, Thái Lan và các nước khác vào thị trường rộng lớn này.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, cho biết 13 năm qua, chưa bao giờ các doanh nghiệp bị đơn được áp mức thuế chống bán phá giá 0%. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới DOC. Mức thuế sơ bộ này kỳ vọng được giữ nguyên trong phán quyết cuối cùng của DOC trong tháng 9/2019, giúp xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ khả quan trong thời gian tới.

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!