THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Nuôi cá không quy hoạch như ‘ngồi trên đống lửa’!

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây, cá nuôi lồng bè trên sông La Ngà lại chết cả ngàn tấn. Tổn thất nặng nề cho người nuôi cá lặp lại nhiều lần, khiến dư luận đặt câu hỏi: làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Làng cá bè Tân Mai trên sông Đồng Nai dày đặc bè cá – Ảnh: SƠN ĐỊNH

Ông Phùng Cẩm Hà, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Nuôi cá là việc mưu sinh của người dân, không thể cấm được. Nhà nước quy hoạch và đưa ra các khuyến cáo để người nuôi tuân thủ, nhưng việc này không dễ…”.

– Vùng nuôi cá ở làng bè La Ngà có khoảng 500 bè, nhưng số lồng hơn cả ngàn! Khi nước cạn, người nuôi kéo bè quần tụ lại với mật độ dày. Thời điểm này lại rơi vào thời gian cá lớn, chuẩn bị xuất bán. Cá càng lớn thì ăn càng nhiều và bài tiết cũng càng nhiều.

Nước ít, nuôi cá mật độ dày, chất thải nhiều trong “vùng trũng” làm ô nhiễm cục bộ và khiến cá chết. Đó là những năm về trước, cá chết có liên quan đến chất thải của nhà máy và ô nhiễm cục bộ.

Tuy nhiên, từ vụ cá chết năm 2018 đến lần này, chúng tôi thấy cá chết theo chu kỳ, có hiện tượng giống nhau, rơi vào cùng thời điểm chuyển mùa tháng 5.

Khi chuyển mùa, mưa lớn kéo chất thải hữu cơ từ thượng nguồn xuống làm thay đổi môi trường đột ngột cùng với ô nhiễm hữu cơ tại khu vực nuôi khiến cá chết hàng loạt.

Khu vực này nước không chảy mạnh như ở khu vực làng cá bè Tân Mai nên xảy ra tình trạng cá chết nhanh, thiệt hại nặng.

Người dân gom cá chết ở làng cá bè La Ngà (Đồng Nai) – Ảnh: A LỘC

– Có nhiều cái khó cho chính quyền. Làng cá bè Tân Mai ở Biên Hòa đã có từ lâu. Sau này khi cá điêu hồng nuôi được thì số bè bắt đầu tăng lên. Lúc đó TP Biên Hòa thấy được sự tăng vọt về số bè với sự phát triển tràn lan, thiếu tổ chức, kiểu mạnh ai nấy làm.

Vì vậy, TP Biên Hòa cùng với cơ quan chuyên môn làm quy hoạch để ổn định khu vực làng bè theo hướng tạo điều kiện cho người dân làm ăn, với quan điểm phát triển kinh tế vẫn phải tạo cảnh quan đô thị trên sông. Tức việc nuôi cá trên sông phải mang tính đô thị, phải đẹp!

Khi đó, một viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã đứng ra giúp chính quyền TP quy hoạch khoảng 250 bè. Sau đó, do phát triển, chính quyền điều chỉnh thành khoảng 350 bè.

Tuy nhiên, quy hoạch xong không sắp xếp được, số bè cá tăng mạnh và xảy ra các trường hợp cá chết. Đơn cử cuối năm 2016 đã có khoảng 500 bè với hơn 1.000 lồng, tăng gấp 4-5 lần so với quy hoạch.

Điều này cho thấy TP Biên Hòa muốn làm quy hoạch nhiều lần, tính toán số hộ, số bè nhưng làm không được. Các chủ bè cá giải thích là họ có con nên phải làm bè cho các con của họ mưu sinh và bản thân họ cũng sống bằng nghề nuôi cá lồng bè…

Nhiều lần chính quyền TP Biên Hòa giải tỏa, sắp xếp lại làng bè nhưng không làm được vì dính đến vấn đề dân sinh, nên một bài toán khó là chọn ai, lấy ai để quy hoạch lại số bè trên sông khiến chính quyền khó xử.

Đến thời điểm này, làng cá bè Tân Mai chưa xảy ra cá chết với mức độ thường xuyên như những năm trước, nhưng tôi luôn phập phồng lo lắng. Bởi làng cá bè này có đặc điểm phụ thuộc vào triều cường, chảy mạnh, lên xuống nhanh và còn phụ thuộc vào con nước.

Nếu gặp con nước giữa triều – nước ương (lềnh lềnh) – kéo theo chất thải sinh hoạt, sản xuất đổ ra sông thì nguy cơ cá chết rất cao. Nhiều vụ cá chết ở khu vực Tân Mai, chúng tôi thấy thường rơi vào thời điểm con nước ương, sau đó xảy ra cá chết trên diện rộng vì thiếu oxy.

Hơn nữa, hiện nay người nuôi bố trí lồng bè dày đặc, không đúng quy hoạch nên khi xảy ra sự cố về môi trường, cá chết sẽ không kéo bè đi kịp vì bè san sát nhau.

* Vậy theo ông, có biện pháp nào “cứng rắn” để tránh lặp lại nạn cá chết ở các làng bè?

– Để đảm bảo người dân sống được thì việc nuôi cá bè trên sông phải có quy hoạch, yêu cầu người dân nuôi theo đúng quy hoạch.

Làm được điều này sẽ hạn chế được rủi ro cá chết. Song song đó, cơ quan quản lý nhà nước đặt ra các quy chuẩn nuôi cá lồng bè và đưa ra các điều kiện để ràng buộc việc nuôi cá ra sao… thì hạn chế được những rủi ro cho bà con. Cụ thể như nuôi theo từng khu, con nước ra sao…

Nếu ai nuôi cá không đúng quy hoạch thì phải xử phạt theo quy định và buộc bồi thường thiệt hại do người đó gây ra. Bởi hiện nay nuôi thủy sản không đăng ký đã bị xử phạt rồi.

Biện pháp này về lâu dài cũng là cách để đảm bảo đời sống của bà con. Nếu không có những biện pháp chấn chỉnh kiên quyết thì năm sau sẽ tái diễn tình trạng cá chết!

SƠN ĐỊNH thực hiện

Theo Báo Tuổi Trẻ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!